- Tham gia
- 28/1/21
- Bài viết
- 86,946
- Điểm
- 113
tác giả
Mãn Giác Thiền Sư là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ. "Cáo bệnh bảo mọi người" vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng). Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh. Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích tác phẩm mà YOPOVN đã tổng hợp trong bài viết dưới đây để làm tư liệu cho bài văn của riêng mình.
Thơ văn Lí - Trần là một đỉnh cao rực rỡ của nền văn học trung đại Việt Nam. Trong dòng văn học đậm chất Thiền đó, Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là một tên tuổi tiêu biểu dù ông sáng tác không nhiều. Ông là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ. Với bài thi kệ "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng), Mãn Giác Thiền Sư được xem như là một nhà thơ có công đặt nền móng cho dòng thơ thiền thời Lí.
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua xuân trước một nhành mai.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
"Cáo bệnh bảo mọi người" vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng). Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh. Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả. Dù tuổi cao, bệnh nặng nhưng vẫn lạc quan, tư duy tích cực và tha thiết yêu đời. Mở đầu bài thơ là hai câu ngũ ngôn có nhịp điệu nhẹ nhàng, bình thản như bước đi muôn thuở của thời gian:
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Hai hình ảnh đối lập phản ánh một quy luật tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi nữa. Muôn đời, muôn thuở, xuân đến rồi đi, hoa nở hoa tàn thành một vòng tuần hoàn bất tận. Tuy nhiên, thế nhân không phải ai cũng hữu tâm mà để ý hơn thế còn khái quát quy luật ấy một cách cô đúc, nhẹ nhõm đến như vậy. Con người chúng ta ai cũng chuộng mùa xuân, ai cũng thích nhìn hoa nở nên không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối đến buồn phiền khi mùa xuân qua, cánh hoa rơi xuống. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng thở dài: Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại. Sau này, nhà thơ Xuân Diệu cũng u hoài vì cái nỗi:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
Thế đấy, bao lớp thi nhân đã từng băn khoăn, tiếc nuối vì quy luật vô tình của tạo hóa. Chỉ có những con người đã trải qua bao thăng trầm, đã hiểu rõ quy luật của trời đất, đã thấm nhuần những tư tưởng uyên thâm mới có thể an nhiên mà sống giữa cái vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông; sinh lão bệnh tử; thành, trụ, hoại, không... một Thiền sư như Mãn Giác chắc chắn là người rõ nhất và "vô tâm" nhất trước cái quy luật vĩnh hằng đó "Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền".
Nhưng Mãn Giác còn là một nhà sư sống giữa thời đại mà tôn giáo không tách biệt hoàn toàn với việc nước, việc đời. Thời Lí, đạo Phật là quốc giáo, rất nhiều nhà sư đã có công lớn trong việc gìn giữ giang sơn xã tắc. Với tinh thần nhập thế tích cực, Thiền sư Mãn Giác cũng chiếu cố đến quy luật của cuộc sống nhân sinh:
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Dòng thời gian trôi là bất biến, mọi việc trong đời cũng theo dòng thời gian mà trôi qua mãi. Dấu vết thời gian trên mái đầu của con người thì không ai tránh khỏi. Hai câu thơ vẫn với âm điệu nhẹ nhàng của thể ngũ ngôn nhưng nghe phảng phất một chút tâm tình của một vị cao niên nhận thức rõ thời gian của bản thân không còn bao nhiêu nữa. Tuổi già đến cũng là một quy luật mà con người có chống cũng không nổi.
Huống chi vị Thiền sư có thừa thông tuệ để thấu đáo và xem như một điều tất yếu. Chỉ có điều, là một nhân tố tích cực của xã hội và thời đại thì mấy ai không cảm thấy mình vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành, chưa cống hiến hết cho quốc gia, dân tộc. Đó hoàn toàn không phải là lòng ham sống bình thường mà có sự cao thượng và ý thức trách nhiệm của một người sớm đã dâng hiến đời mình cho chúng sinh, hiểu một góc hẹp hơn đó chính là nhân dân vậy. Một chút bùi ngùi chợt lắng xuống nhường chỗ cho tâm thế tích cực, lạc quan vút lên trong hai câu thơ cuối:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua xuân trước một nhành mai.
Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục. Đáng nói là trong mạch cảm xúc của bài thơ thì hai câu cuối này thật sự gây một ấn tượng mạnh mẽ. Nếu bốn câu trước như một lời tri nhận những quy luật bất biến của thiên nhiên và cuộc sống thì hai câu cuối này lại như đảo dòng quy luật ấy.
Đảo dòng nhưng không hề phi lí mà vẫn thuyết phục người đọc một cách tài tình. Ai cũng hiểu, xuân tàn hoa sẽ rụng nhưng ai cũng sẽ vui mừng khi đâu đó chợt bắt gặp một cành mai nở muộn cuối mùa. Điều đó đặc biệt như một món quà của thiên nhiên và từ đó khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác. Càng đáng quý hơn khi đó là lời khuyên của một bậc Thiền sư đang trong những ngày đau ốm, bệnh tật.
"Cáo bệnh bảo mọi người" từ một bài kệ dạy đệ tử của Mãn Giác Thiền sư đã trở thành một bài thơ cô đọng, hàm súc, mượn cảnh nói tâm hết sức độc đáo. Bài thơ không chỉ gửi gắm triết lí Phật Giáo Thiền tông mà còn chứa đựng một nhân sinh quan cao thượng, đẹp đẽ.
Nội dung sâu sắc được gói ghém trong hình thức thơ trang nhã, hài hòa, nhẹ nhàng dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người đọc và đọng lại những cảm xúc tốt đẹp nhất. Từ bài thơ, bao thế hệ người đọc đã ngộ ra chân lí sống giữa cuộc đời, biết chấp nhận những quy luật hằng tồn đồng thời cũng biết chọn góc nhìn và cách sống lạc quan, tích cực phù hợp với quy luật và phát huy ưu điểm của bản thân mình.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Về thời nhà Lí (1009 - 1225), Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt. Sau chiến thắng sông Cầu - Như Nguyệt (1076), nền độc lập của Tổ quốc ta được củng cố, ý thức dân tộc phát triển mạnh mẽ. Việc học hành được mở mang, kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển khá phồn thịnh. Đạo Phật trở thành quốc giáo. Việc xây chùa, đúc chuông, tạc tượng, in kinh Phật diễn ra sôi nổi khắp nơi. Nhiều vị Thiền sư được triều đình trọng vọng. Họ là những con người lỗi lạc, đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách.
Trong số đó, Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) là một vị cao tăng mang tâm hồn thi sĩ tuyệt đẹp. Bài "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng) được vị Thiền sư đọc cho các đệ tử nghe khi ông lâm bệnh trọng, trước lúc qua đời. Vốn là một bài kệ (kinh kệ) hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu, nhưng lại tươi mát, gợi cảm, đầy thi vị. Nguyên tác bằng chữ Hán, đây là bản dịch thơ:
"Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai"
(Ngô Tất Tố dịch)
Bài kệ - thơ đã nói lên quy luật của sự sống và thiên nhiên, biểu lộ tâm thế của nhà sư trước quy luật sinh, tử ở cõi nhân gian, cái tịch diệt và cái vĩnh hằng trong vũ trụ. "Cáo bệnh bảo mọi người" gồm 6 câu, cứ 2 câu kết thành một liên đăng đối, hài hoà để lại nhiều ấn tượng thú vị. Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của 4 mùa, tiêu biểu là sự chuyển vần của mùa xuân. Mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương.
Hình ảnh "trăm hoa cười" tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, cho vẻ đẹp của cây cỏ thiên nhiên và mùa xuân. Nhựa sống mùa xuân, hương sắc mùa xuân... còn gì đẹp hơn? Và khi mùa xuân đi qua, ngày tháng sẽ trôi nhanh theo mùa hạ, chuyển sang mùa thu rồi đến mùa đông, chẳng bao lâu lại trở về mùa xuân... cỏ cây, hoa lá, tạo vật cũng biến đổi, sinh trưởng hay phai tàn theo 4 mùa, năm tháng.
Khi mùa xuân trôi qua, "trăm hoa rụng" (bách hoa lạc) theo quy luật của tự nhiên. Hai câu thơ mang màu sắc triết lí, khái quát quy luật tồn tại của thiên nhiên và sự vận động của thời gian. Mùa xuân cũng như sự sống thiên nhiên chuyển biến bất tận: "xuân qua" rồi "xuân tới", "hoa nở" rồi "hoa tàn"... Mùa xuân là vĩnh hằng. Cỏ cây, trăm hoa cũng như vạn vật, con người đều bị chi phối theo quy luật khắc nghiệt của tự nhiên:
"Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười"
Bước đi của mùa xuân "qua... tới", cũng như trăm hoa "rụng... nở", một lối nói đầy cảm xúc, làm cho câu kệ vốn khô khan đã trở thành câu thơ đẹp và hay. Qua đó, ta thấy tâm hồn vị Thiền sư quả là đẹp! Hai câu tiếp theo, Mãn Giác nói về chuyện người, chuyện đời. Trong cõi nhân sinh, vạn vật biến diễn không ngừng, vận động theo năm tháng "Trước mắt việc đi mãi...". Cũng như con người, có sinh tất có tử, lúc khoẻ mạnh ắt có lúc ốm đau, bệnh tật, có tuổi hoa niên trẻ tráng tất cái già sẽ đến.
Quy luật cuộc sống là như thế, vốn thế! Vị cao tăng đang nằm trên giường bệnh, đọc bài kệ này cho các đệ tử nghe. Ông muốn nhắc nhở họ với tất cả sự thanh thản: Ông đã về già, đang "có bệnh, nhất định sẽ "tịch" (chết). Đó là lẽ thường tình, có gì đáng sợ, đáng lo. Ý tưởng và triết lí của câu kệ cao siêu vô cùng. Hãy biết yêu cuộc đời với sự thanh thản - hãy làm chủ cuộc sống:
"Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi".
Bài kệ được khép lại bằng hai câu tuyệt cú, xưa nay được truyền tụng như một vần thơ đẹp trong bài cổ thi:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai).
Hai tiếng "mạc vị" (đừng tưởng) như một lời nhắc khẽ, thấm thía. Câu thơ cấu trúc liên hoàn, tương phản: "hoa rụng hết" và "một cành mai" nở ra. Hình ảnh "nhất chi mai" (một cành mai) là một thi liệu ta thường bắt gặp trong thơ cổ. "Đối ngạn: nhất chi mai", (Bên suối: một nhành mai) - Hồ Chí Minh... nhành mai tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiết, thanh cao, lộng lẫy của thiên nhiên và con người.
Trong bài thơ này, cành mai nở hoa buổi xuân tàn là một hoán dụ nghệ thuật, nhà thơ lấy nó để nói về mình, chỉ về mình, biểu lộ một quan niệm nhân sinh của vị chân tu: vạn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi, có sinh, trưởng, lão, bệnh, tử... nhưng nhà tu hành chân chính, đắc đạo có thể vượt ra khỏi vòng sinh tử, ngoài quy luật tự nhiên như cành mai nở hoa buổi xuân tàn, khi trăm hoa đã rụng hết! Vậy thì ta (Thiền sư Mãn Giác) đang "có bệnh" là chuyện thường tình, theo quy luật của tự nhiên có gì đáng băn khoăn? "Thác là thể phách, còn là tinh anh" (Truyện Kiều).
Ngoài triết lí sâu xa của đạo Phật, được cụ thể hóa và hình tượng hóa qua hình ảnh "nhất chi mai", câu thơ còn ẩn chứa một ý nghĩa đẹp: nhà sư rất lạc quan yêu đời. Với ông, thì thiên nhiên hữu sắc hữu hương, tràn đầy sức sống, tươi mát trẻ trung, cuộc sống không ngừng vươn lên mạnh mẽ theo dòng chảy thời gian.
Bài kệ "Cáo tật thị chúng" thể hiện một cốt cách, một quan niệm sống đẹp của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Tư tưởng Phật giáo hoà quyện với chất thơ, tầm cao sâu triết lí đạo Phật được trang phục bằng lời thơ đẹp, giàu hình tượng và cảm xúc.
Bài kệ đã trở thành bài cổ thi, đã đi suốt hành trình một thiên niên kỉ. Đọc bài "Cáo tật thị chúng", ta trân trọng tinh thần yêu đời, yêu sự sống của vị Thiền sư, chúng ta yêu thêm vẻ đẹp trắng muốt của cành mai nở hoa buổi xuân tàn. Dư vị của bài thơ như một lời nhắc khẽ: hãy làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời và biết làm chủ bản thân mình, để yêu đời, yêu cuộc sống, để lao động và học tập say mê.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Trong Phật giáo, trước khi lìa bỏ cuộc đời thì các thiền sư thường làm một bài thi kệ, đây là những triết lí mà thiền sư giác ngộ được trong cuộc đời, đồng thời đó cũng là những lời giáo huấn cho chúng đệ tử. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” được Mãn Giác Thiền sư sáng tác khi thiền sư đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ đã thể hiện được nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc đời. Trong những câu thơ đầu tiên, Mãn Giác thiền sư đã gợi ra trạng thái của những bông hoa khi tàn tàn – nở:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai”
Dịch:
(Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười)
Trong hai câu thơ đầu tiên này chúng ta cảm nhận được sự độc đáo trong cách thể hiện. Bởi chúng ta thường nhắc đến những cái đẹp, những giây phút huy hoàng trước khi nói về sự tàn úa, phôi pha bởi đây là một tâm lí thông thường ở con người, trong chúng ta ai cũng thích những cái đẹp đẽ, hoàn thiện mà không ai muốn nói đến sự phôi pha, chia lìa.
Ở trong hai câu thơ này, Mãn Giác Thiền sư đã nói về sự tàn úa của những bông hoa trước khi nói về sự tươi đẹp, bung nở của những bông hoa. Hai câu thơ đã thể hiện được quy luật của tự nhiên: Xuân đi trăm hoa sẽ tàn úa, phôi pha theo, xuân đến mang đến sự sống cho trăm hoa.
Tác giả đã lựa chọn cách nói trái ngược như để nhắn nhủ đến mọi người: xuân đến rồi cũng sẽ đi, đây là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi, do vậy con người cần giữ cho mình tâm thế bình thản để đối mặt với nhiều biến động trong cuộc sống. Trong thơ của Xuân Diệu ta cũng bắt gặp quan niệm về sự chảy trôi tuần hoàn của vũ trụ:
“Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Trở lại với bài thơ, ta có thể thấy con người luôn bị xoay vần bởi những nhịp vận động của cuộc sống, trong cuộc đời của mỗi người có biết bao đổi thay, chính những đổi thay của ngoại cảnh ấy làm cho con người đắm chìm trong nó mà đôi khi quên mất cả bản thân mình.
“Sự nhục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai”
Dịch:
Việc đời ruổi qua trước mắt
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu
Con người luôn chạy theo những nhịp vận động không ngừng của cuộc sống mà vô tình quên mất chính mình, để khi quay đầu lại thì tuổi già đã đến. Mãn Giác thiền sư như muốn truyền đạt một triết lí: Cần ngừng lại những cuộc rong ruổi theo những danh vọng phù phiếm mà nên lo cho chính bản thân của mình, rèn luyện để có thể sống đạo đức, tình nghĩa hơn.
Không nên đợi tuổi già đến mới lo việc học đạo bởi khi về già đầu óc không còn được minh mẫn, nhanh nhạy như khi còn trẻ nữa, cũng như “không có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể suy nhược”. Khi về già mới cố gắng thì khó có thể đạt được những mục đích mà mình đề ra, dù có quyết tâm nhưng lực bất tòng tâm.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Dịch:
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai)
Có thể có nhiều người sẽ thấy ngỡ ngàng, khó hiểu vì xuân đã tàn mà mai chưa tàn. Ở đây, Mãn Giác thiền sư đã sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những triết lí phật giáo đầy sâu sắc. Đây có lẽ không phải là hình ảnh trong thực tế mà nó được dùng để nói về sự giác ngộ, bởi với những người ngộ đạo, đã giác ngộ được những chân lí trong cuộc đời thì có thể cảm nhận được cái đẹp, cái vô hình mà bằng nhận thức khách quan khó có thể thấy được.
Hai câu thơ cuối của bài thơ, thiền sư như muốn nhắn nhủ đến chúng đệ tử: không nên lo sợ đến việc sinh tử trong đời, chỉ sợ mỗi người chưa thực sự giác ngộ để nhận thức được hành động và tâm tính của mình. Hãy sống làm sao để những lời nói, hành động đều có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho bản thân, cho người khác.
Như vậy, bài thơ Cáo tật thị chúng bên cạnh miêu tả những quy luật của tự niên, thiền sư Mãn Giác đã nhắn nhủ nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc sống, mang đến cho độc giả nhiều bài học về cuộc đời, về sự sống thực tại.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Nguyễn Trường hay còn gọi là Mãn Giác Thiền Sư, là một người đọc rộng hiểu nhiều thông cả nho, lão, phật bên cạnh đó ông cũng để lại những sáng tác vô cùng nổi tiếng trong đó có “Cáo bệnh bảo mọi người”, tác phẩm thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời mà một sức sống mãnh liệt để vươn lên.
Với cái nhìn chân thực và sâu sắc nhất, ông cảm nhận sự biển đổi nhỏ nhất của vạn vật xung quanh mình, đối với ông những sự biến đổi đó đều theo một quy luật nhất định.
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa tươi
Xuân qua trăm hoa rụng, xuân tới trăm hoa tươi, tất cả đều theo quy luật của tự nhiên từ xưa đến nay không thay đổi, mỗi năm có bốn mùa và mỗi mùa lại có một đặc điểm riêng biệt như một sự báo hiệu, một bước chuyển mình của tự nhiên, hình ảnh cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa vươn mình khoe sắc như một dấu hiệu cho sự chào đón mùa xuân, để rồi khi xuân đi thì những cành hoa chẳng còn giữ được cho mình những nét tươi đẹp như lúc ban đầu.
Xuân đến xuân đi dường như đã là điều tất yếu không thể thay đổi, nhưng trong cái nhìn lạc quan của tác giả thì hình ảnh xuân qua hoa rụng trước rồi mới đến xuân tới hoa nở thật mới lạ, tác giả muốn lưu giữ lại những nét đẹp của mùa xuân, lưu giữ lại không khí ấm áp tràn đầy sức sống mà thiên nhiên đem lại cho vạn vật.
Xuân đến xuân đi trăm hoa nở rồi lại rụng đó là sự tuần hoàn của tự nhiên đã diễn ra từ rất lâu, chữ “trăm” thể hiện một vòng lặp không có ngoại lệ, một vòng tuần hoàn của thiên nhiên đã diễn ra từ rất lâu và sẽ không bao giờ thay đổi được. Ngoài những quy luật của tự nhiên đối với tác giả con người cũng đang sống theo một quy luật nhất định không thể thay đổi được.
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Thời gian vẫn luôn vận động mà không đợi bất cứ ai, không đợi bất cứ điều gì, thời gian trôi kéo theo biết bao sự việc không kể lớn nhỏ trong đó có cả con người. Con người theo năm tháng rồi cũng già đi, lớn lên theo thời gian để rồi giật mình nhận ra bản thân đã già thật rồi, biểu hiện rõ nét nhất đó chính là sự đổi màu trên mái tóc.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là con người không giống với tự nhiên, tự nhiên trải qua những vòng lặp nhất định nhưng con người thì không, chẳng biểu hiện rõ nét nhưng mỗi người đều sống một cuộc sống, và khi về già thì ai cũng sẽ phải dừng lại tại điểm cuối của quãng đường đời, chỉ có sự khác biệt là mỗi người có một quãng đường dài ngắn khác nhau mà thôi. Dù có hoàn hảo thế nào, dù không thể thay đổi quá nhiều nhưng vẫn luôn tồn tại một sức sống mãnh liệt trong thiên nhiên và trong con người.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Hai câu thơ tường chừng như tả thiên nhiên nhưng không phải, giữa không gian sắp hết xuân, giữa không gian mà muôn loài đã sẵn sàng để chào đón một mùa mới thì hình ảnh cành mai xuất hiện, đối với người xưa hình ảnh đó như một biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết bởi mai có thể chịu được cái giá lạnh của mùa đông, vẫn nở rộ giữa tiết trời lạnh giá vì vậy tác giả đã mượn hình ảnh cành mai để thể hiện sự vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách của con người. Đối với con người khi đã thấu hiểu được những quy luật, đạo lí của tự nhiên sẽ luôn tồn tại một sức mạnh lớn lao vượt lên cả quy luật sinh tử vốn có.
Bài thơ thể hiện rất rõ cái nhìn lạc quan yêu đời mà tác giả thể hiện qua từng câu thơ, cái nhìn đó được tác giả khẳng định qua hình tượng của tự nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn gợi lên sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi vô tận và bất diệt, cùng với đó là quy luật sinh tử mà bất cứ ai cũng phải trải qua, mở đầu bằng hình ảnh mùa xuân và kết thúc bằng hình ảnh một cành mai như điểm nhấn cho chính cuộc đời của tác giả, những câu thơ được viết trong khi đang mang bệnh nhưng cái nhìn về cuộc sống của bản thân, về thiên nhiên đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần khỏe mạnh đạt đến độ ung dung không phải suy nghĩ.
Qua bài thơ cho người đọc thấy được sự mạnh mẽ bên trong tác giả, là một bậc tu hành giác ngộ được những đạo lí trong cuộc sống, có thể vượt ra được vòng luẩn quẩn để cho bản thân cái nhìn theo chiều hướng đẹp nhất, tích cực nhất.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Văn học thời Lí- Trần, bên cạnh sự phong phú của những tác phẩm viết về hào khí Đông A, về tình yêu nước và tinh thân dân tộc của các vị tướng và đấng minh quân mà còn có một mảng thơ của những vị thiền sư chiêm nghiệm về con người và cuộc đời. Có thể kể đến nhà thơ- nhà thiền sư Mãn Giác với bài thơ nổi tiếng: “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh, bảo mọi người). Nguyên văn chữ Hán của bài thơ:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Những năm 1009- 1225, vào thời Lí, nước ta là một nước phát triển, phồn thịnh. Cuộc sống nhân dân đủ đầy, no ấm. Đạo Phật trở thành quốc giáo, những nhà sư đều có một vị trí trong xã hội và triều đình. Họ đều là những con người đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách. Mãn Giác Thiền sư là một trong những vị thiền sư thế. Bài “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) được ông viết trước lúc qua đời.
Tác phẩm viết theo thể kệ- do các nhà sư làm để tóm tắt giáo lí đạo Phật hoặc tuyên truyền những điều tâm đắc. Vì thế, những bài kệ thường hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu. Nhưng ở đây, “Cáo tật thị chúng” lại cho chúng ta cảm giác tươi mát, đầy thi vị. Hai câu đầu đã diễn tả quy luật tự nhiên của cuộc sống:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.”
(Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.)
Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của 4 mùa, tuần hoàn luân hồi của tạo hóa. Từ “xuân, hoa” được lặp lại diễn tả quy luật phổ biến: mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương. Hình ảnh “bách hoa khai “ (trăm hoa cười) tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ đang nảy nở. Khi mùa xuân trôi qua, “bách hoa lạc” (trăm hoa rụng) theo quy luật của tự nhiên.
Hai câu thơ tám chữ mà chứa đựng màu sắc triết lí, khái quát quy có tính muôn thuở của thiên nhiên cũng như cuộc đời: thiên địa tuần hoàn, hay như cách nói của nhà Phật: cuộc đời này vô thường, con người ta sống trong kiếp luân hồi. Nhưng cái hay của Mãn Giác còn là cách nói: xuân đi rồi xuân lại đến, hoa tàn rồi một ngày hoa lại nở. Cuộc sống luôn hướng về phía tươi đẹp và sự sống là bất diệt, luôn tươi ròng sự sống. Từ chuyện thiên nhiên tạo hóa, hai câu tiếp theo, Mãn Giác nói về chuyện người, chuyện đời:
“Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.”
(Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi)
Cuộc sống thiên biến vạn hóa, chuyện mới đây thôi đã trở thành quá khứ, như “trước mắt, việc đi mãi”. Cũng như vậy, con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy, cũng phải trải qua “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhưng khác với thiên nhiên còn tuần hoàn, kiếp sống con người không luân hồi mà theo thời gian, sẽ đi về phía hủy diệt. Thủ pháp đối lập: hoa tươi, hoa nở- trên đầu già đến rồi đã thể hiện ý thức của Mãn Giác về sự hữu hạn của đời người trước sự vô thủy vô chung của thời gian.
Câu thơ nói về sự hữu hạn đời người, về cái quy luật “bệnh, tử” mà cứ nhẹ tênh. Người thiền sư ấy đứng trước cái chết, đón nhận nó như một quy luật tất yếu, một cách nhẹ nhàng và chủ động. Đó chính là tâm thế của những con người hiểu thấu sự đời. Để rồi, khi hai câu thơ cuối bật ra, chính là niềm tin, sự lạc quan của con người:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai).
Thiên địa tuần hoàn, đời người ngắn ngủi:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
Nhưng không phải vì thế mà con người bi quan: Hai tiếng "mạc vị ” (đừng tưởng) như một lời nhắc nhẹ nhàng mà thấm thía. Bài kệ kết cấu theo kiểu liên hoàn, sử dụng thủ pháp tương phản: mở đầu bằng “hoa rụng hết ” nhưng kết thúc lại có “một cành mai ” nở ra. “Nhất chi mai ” (một cành mai) là một thi liệu thường được sử dụng trong thơ cổ. Đó là biểu tượng của tinh thần kiên trinh không đổi, không hùa theo thói đời. Khác với các loài hoa khác, hoa mai chống chọi và thích nghi được trong thời tiết khắc nghiệt.
Ở đây, nhành mai buổi xuân tàn là một hoán dụ nghệ thuật. Lấy hoa để nói mình, thấy mình ở trong hoa: cuộc đời là vô thường nhưng con người vẫn có thể khắc phục đi lên như nhành mai vẫn nở bất chấp quy luật của tự nhiên, để là một bông hoa duy nhất, rực rỡ và đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Câu thơ tràn đầy niềm tin, niềm lạc quan của một thái độ bình thản, một nhân cách cao đẹp đứng trước những quy luật vạn vật. Bài kệ được khép lại bằng hai câu tuyệt cú mà xưa nay được truyền tụng như một vần thơ đẹp trong bài cổ thi.
Bài kệ “Cáo tật thị chúng ” không chỉ là những chiêm nghiệm của một con người tiến gần tới cõi hạn nhìn về cuộc sống và đời người mà còn là một cái nhìn lạc quan, là thái độ vươn lên sống có ích. Đó mới thấy được một cốt cách và tâm hồn của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Câu thơ thấm nhuần tư tưởng Phật giáo mà không hề khô khan, triết lí cao siêu được trang phục bằng ngôn từ giản dị mà chính xác, giàu hình tượng và cảm xúc làm thu phục lòng người.
Bài kệ đã đi được hành trình gần một thiên niên kỉ, gần một ngàn mùa hoa tàn, xuân đến nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính triết lí của nó. “Cáo tật thị chúng”- bài cổ thi còn khai minh cho người đọc nhiều thế hệ nữa.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Thiền sư Mãn Giác là người ham học, thông hiểu cả Nho giáo và Phật giáo nên đã được vua Lí Nhân Tông sủng ái, tuyển vào cung cho học tập từ nhỏ. Ông là một thiền sư nổi tiếng. Bài thơ " Cáo tật thị chúng" của ông đã nói đến những triết lí rất sâu sắc.
Thời gian như một nỗi ám ảnh miên viễn với con người. Nhận thức được thời gian, con người lại càng hoảng sợ vì biết cuộc sống ngắn ngủi, mong manh. Vì thế, thi nhân Xuân Diệu mới có một khao khát đến tột cùng: “Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.” (Giục giã) Con người luôn muốn níu giữ thời gian, trì hoãn cuộc sống. Thế nhưng với thiền sư Mãn Giác, hiểu được quy luật của tự nhiên là để an lạc chấp nhận, trân trọng từng giây phút được sống chứ không phải chạy đua với thời gian. Quan niệm ấy được thiền sư bộc bạch trong “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh, bảo mọi người).
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Đây vốn là một bài kệ, mang chức năng truyền bá, giải thích đạo Phật. Bài kệ mang ý tứ sâu xa, thường dùng cách nói ẩn dụ, kín đáo. Kệ thường được viết bằng văn vần, có giá trị văn chương. Bài “Cáo tật thị chúng” không biết được viết vào năm nào trong cuộc đời 44 tuổi của vị thiền sư, nhưng hẳn đang vào lúc đau yếu, đe dọa đến tính mạng. Bài thơ thể hiện một tâm hồn bình thản trước bệnh, tử, già, không hề buồn sợ, xót đau. Đó là tâm hồn đại giác.
Bốn câu thơ đầu nói lên quy luật sinh hóa của tự nhiên, của con người: hoa cũng giống như người luôn vận động, biến thiên. Sự sống là một vòng luân hồi. Mùa xuân qua hoa cỏ úa tàn, khi xuân đến hoa cỏ lại tươi tốt. Nhà thơ dùng hình ảnh hoa rụng, hoa nở để nói về tuần hoàn như vòng bánh xe không ngừng chuyển động: hoa rụng trước rồi đến hoa nở thì mới gợi lên được một vòng tuần hoàn. “Nếu nói hoa nở rồi hoa tàn thì chỉ nói được một kiếp trong vòng đời.” (Trần Đình Sử)
Tuy nhiên, đặt con người trong vòng tuần hoàn nở - rụng ấy gợi nên nhiều suy nghĩ. Hai câu thơ tiếp diễn tả quy luật của đời người, khác hẳn quy luật của tự nhiên. Thời gian trôi đi, con người thêm tuổi tác. Mái đầu bạc là hiện thân của tuổi già. Giữa con người với hoa có sự đối nghịch: trong khi “trăm hoa tươi” thì con người “trên đầu già tới rồi”. Sự đối nghịch ấy cho thấy sự vô thủy, vô chung của thời gian – “trước mặt việc đi mãi” – cuộc đời khoảnh khắc chỉ là ảo ảnh. Câu thơ nói lên quy luật sinh – lão – bệnh – tử theo quan niệm của đạo Phật.
Giọng điệu của bốn câu thơ đầu vừa ung dung, an nhiên lại vừa như thoáng chút nuối tiếc. An nhiên khi nhìn cuộc đời theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Thoáng chút nuối tiếc khi cảm thấy sự trôi chảy của thời gian. Cảm nhận này không phải bắt nguồn từ cái nhìn hư vô của đạo Phật mà bắt nguồn từ ý thức về sự hiện hữu, sự tồn tại có thực của con người. Ý thức được sự tồn tại ấy, con người không thể nào sống vô nghĩa. Hai câu thơ cuối thể hiện quan niệm triết lí của Phật giáo về sức mạnh lớn lao, vượt lên lẽ hóa sinh thông thường.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Hai câu thơ cuối không phải đơn thuần báo hiệu xuân qua hè tới mà là biểu tượng cho quan niệm lớn lao hơn. Con người giác đạo trở về với bản thể vĩnh hằng, không sinh, không diệt như cành mai tươi bất chấp xuân tàn. Trong quan niệm người xưa, mai là loài hoa chịu được giá rét mùa đông. Giữa tuyết sương giá lạnh, mai vẫn nở hoa, báo hiệu mùa xuân đến. Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp thanh tao, cao khiết vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã, phàm tục.
Qua hình tượng cành mai tươi bất chấp xuân tàn, tác giả mượn thiên nhiên để biểu tượng cho niềm tin về sự sống bất diệt. Hoa mai vượt lên cả sự sống, chết, thịnh, suy. Đó là quy luật của sự bất biến về tư tưởng, tình cảm, ý chí – sự bất biến trong tinh thần. “Cành mai” là biểu tượng nghệ thuật đẹp đẽ, vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, kiên định trước những biến đổi của trời đất, thời cuộc.
“Cáo tật thị chúng” tuy được viết lúc thiền sư đang đau yếu nhưng vẫn toát lên cái nhìn bình thản trước cuộc đời, giọng điệu ung dung, tự tại. Quy luật cuộc đời là sinh – lão – bệnh – tử nhưng bài thơ lại chọn điểm khởi đầu là “xuân tàn” và điểm kết thúc là một cành mai tươi, đó là tinh thần lạc quan. “Lời thơ đến với độc giả như một biểu hiện của sự nhạy cảm đối với sức sống dồi dào luôn khắc phục hoàn cảnh để mà vươn lên, như là biểu hiện của niềm yêu mến cuộc sống trong những khía cạnh mĩ lệ mà tinh vi, tế nhị” (Đinh Gia Khánh).
Nhịp điệu bài thơ có nét đặc biệt : bốn câu đầu là thơ năm chữ, gọn gàng, hai trạng thái xúc cảm cân bằng với số chữ như nhau. Hai câu kết là thơ bảy chữ, vượt lên trên nỗi vui buồn sinh tử mà thanh thản, ung dung về miền cực lạc. Bài thơ viết lúc nhà thơ đang đau yếu nhưng đầy lạc quan, tích cực.
Bài thơ" Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền Sư đã truyền cho chúng ta một nghị lực, niềm tin, tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Dòng đời vẫn luôn chảy trôi và biến đổi không ngừng, đó là một vòng tuần hoàn khép kín bất tận, còn đời người thì hữu hạn nhưng đó cũng là quy luật của cuộc sống. Quan trọng là ta phải sống hết mình và có ý nghĩa, luôn lạc quan. Đó cũng là triết lí sống mà tác giả gửi gắm cho độc giả- sống an nhiên.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Mãn Giác thiền sư (1052 - 1096) tên thật là Lí Trường, sống vào thời vua Lí Nhân Tông. Năm 25 tuổi ông mới xuất gia và trở thành một thiền sư được ngưỡng vọng. Vua Lí thường xuyên hỏi ông về việc nước. Năm 1096, ông cáo bệnh và làm bài thơ này để báo cho mọi người biết. Cũng năm đó, ông qua đời. Bài thơ Cáo tật thị chúng thể hiện những suy ngẫm của nhà sư về cuộc đời.
Bài thơ chia làm hai phần : Phần thứ nhất nói về quy luật sinh tử của tự nhiên, phần thứ hai thể hiện tâm sự lạc quan của tác giả. Bài thơ mang vẻ đẹp trong sáng nhưng chứa đựng chất triết lí sâu sắc của thơ thiền : vừa thể hiện tình yêu, niềm tin vào cuộc sống của con người, vừa là sự ngộ giải chân lí Phật giáo của một vị chân tu trước lúc "nhập diệt".Con người không thể thoát khỏi quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" của tự nhiên.
Phàm đã là con người ai cũng phải trải qua những giai đoạn đó. Nhà sư Mãn Giác đã một lần nữa khẳng định quy luật tự nhiên ấy qua Cáo tật thị chúng. Tinh thần nhập thế của Phật giáo cũng được thể hiện rõ ở bài thơ này. Tâm sự của một nhà sư cũng là tâm trạng chung của tất cả mọi người trước sự xoay vần "đà định sẵn" của tự nhiên.Mượn hình ảnh hoa nở hoa tàn để nói đến quy luật của thiên nhiên, bài thơ kệ được bắt đầu bằng hai câu thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Miêu tả sự tuần hoàn của tự nhiên nhưng bằng một cách nói hơi trái tự nhiên. Thông thường có hoa nở mới có hoa tàn nhưng ở đây nhà thơ lại nói đến hình ảnh hoa tàn trước rồi mới nói chuyện hoa nở. Phải chăng tuổi già (nhà sư viết bài thơ vào năm cuối của cuộc đời) với những dự cảm của người sắp ra đi thường nghĩ đến chuyện mất mát trước. Tác giả của bài thơ là một nhà sư, và theo quan niệm của đạo Phật, cuộc đời là những vòng luân hồi nối tiếp nhau, không có sự kết thúc thật sự.
Điểm kết của vòng đời này là sự bắt đầu của một vòng đời khác. Hình ảnh "hoa" và "xuân" là hai điểm nhấn của câu thơ, vừa nhấn về ngữ điệu, vừa nhấn về hình ảnh. Cách sắp xếp các hình ảnh đối nhau càng làm tăng sự đối lập giữa sự mất đi và sinh ra của muôn hoa và vạn vật.Cách sắp xếp "hoa lạc" trước "hoa khai", có lẽ là để thể hiện tính chất luân hồi. "Tàn" là sự bắt đầu của "nở", vì thế tàn không có nghĩa là chấm hết. Điểm tích cực của tư tưởng luân hồi chính là ở đây, nó thổi vào cuộc sống của con người tinh thần lạc quan.
Tư tưởng Thiền học được thể hiện ở ngay cách sắp xếp hình ảnh thơ này. Sự trôi chảy của thời gian là tự nhiên và rất vô tình, theo dòng thời gian, con người cũng phải thay đổi. Từ quy luật biến đổi của thiên nhiên dẫn đến quy luật biến đổi của đời người:
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Con người cũng như vạn vật, phải thay đổi theo quy luật của tự nhiên. Nhưng khác với vạn vật, con người nắm bắt được quy luật ấy và chủ động trước mọi sự. Song nếu cây cối có sự luân hồi thì con người lại không, dù theo triết lí của đạo Phật, con người cũng có kiếp luân hồi, có kiếp trước, kiếp sau. Hoa tàn, hoa nở là biểu tượng cho sự mất đi và hồi sinh của vạn vật thì mái tóc bạc biểu tượng cho tuổi già. Con người không thể thoát khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử và cũng không có kiếp luân hồi. Vì vậy con người thường nuối tiếc khi thời gian trôi đi:
Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất…
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
(Xuân Diệu, Vội vàng)
Có tâm tư gì đó tương tự như vậy đằng sau hai câu thơ của Mãn Giác thiền sư. Song nỗi buồn man mác đó lập tức qua ngay khi hai câu thơ tiếp theo có sự xuất hiện đột ngột của nhành mai cuối xuân:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Cành mai là điểm sáng, điểm tươi tắn nhất của bức tranh xuân tàn. Nó xuất hiện đột ngột như chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Cành mai ấy là cành mai của hiện thực và cũng là cành mai trong tâm tưởng, trong tinh thần của nhà thơ. Tưởng như mùa xuân đã qua và "hoa lạc tận" nhưng vẫn còn đó "nhất chi mai". Mai, trong quan niệm của người xưa, là một loại trong bộ "Tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai), là biểu tượng cho sự thanh cao.
Không phải là hoa gì khác mà là một cành mai, biểu tượng cho mùa xuân, mùa của trăm hoa khoe sắc, của muôn cây đâm chồi nảy lộc. Rất có thể, sự xuất hiện đầy bất ngờ của một cành mai cuối xuân đã khơi nguồn cảm hứng để nhà thơ viết bài thơ kệ này, nhưng cũng có thể nhà thơ mượn một cành mai trong tưởng tượng để thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự bất diệt của cái đẹp, của sự sống.
Theo tình huống nào thì cành mai vẫn là một biểu tượng đẹp cho tinh thần của con người, con người có ý chí kiên cường, vượt lên sự nghiệt ngã của quy luật tự nhiên.Hai câu thơ cuối đối lập với bốn câu đầu cả về hình thức và nội dung. Bốn câu thơ đầu khẳng định quy luật bất biến của cuộc sống - vạn vật có sinh có mất, và không gì cưỡng lại được, nhất là con người. Hai câu cuối lại khẳng định điều ngược lại - vẫn có một cành mai nở vào độ xuân tàn, hiện hữu hoàn toàn trái quy luật. Cành mai xuất hiện bất ngờ như sự khẳng định rằng không có gì là bất biến.
Và con người, với ý chí và nghị lực phi thường của mình, vẫn có thể vượt qua được quy luật. "Lão tòng đầu thượng lai" tưởng đã là điểm kết thúc của một đời người. Nhưng niềm lạc quan, ý chí và cả niềm tin tôn giáo đã giúp nhà sư thấy được "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". Cáo tật thị chúng là một bài thơ thiền, và vậy tất nhiên có gửi gắm những quan niệm, triết lí Thiền học.
Mãn Giác thiền sư viết bài thơ này khi ông sắp qua đời, vì thế nó thể hiện sự ngộ giải chân lí Phật giáo. Nhà Phật vẫn tin rằng, con người có thể sẽ chiến thắng được quy luật sinh tử của tự nhiên nếu tu thành chính quả, nếu chiến thắng được những dục vọng cá nhân và giác ngộ. Là một bài thơ kệ, là tác phẩm ra đời vào thời kì mà văn học dân tộc chưa có được bề dày thành tựu nghệ thuật, song Cáo tật thị chúng đã thể hiện một tầm kết tinh nghệ thuật đáng tự hào. Bài thơ chỉ có sáu câu nhưng đã truyền tải được một nội dung triết lí sâu sắc.
Giá trị ấy của thi phẩm được làm nên bởi tài năng sử dụng, lựa chọn ngôn từ, hình ảnh và sự sắp xếp kết cấu gợi cảm của nhà thơ. Trước hết đó là nghệ thuật sử dụng và sắp xếp từ ngữ, mỗi từ ngữ đều chứa đựng khả năng biểu hiện ý tứ sâu sắc, "bách hoa lạc" (trăm hoa rụng), "bách hoa khai" (trăm hoa đua nở), chỉ một từ hoa nhưng là biểu tượng cho vạn vật, là biểu tượng cho mùa xuân đến, mùa xuân đi.
Nghệ thuật đối điệp cũng được phát huy cao độ để tạo nên tính hàm súc cho bài thơ. Mỗi cặp câu thơ là một cặp đối lập, nó biểu hiện cho quy luật sinh tử song tồn, cho sự trôi đi rất nhanh và vô tình của thời gian. Bốn câu đầu và hai câu sau là một cặp đối, một bên là quy luật nghiệt ngã tưởng như không gì chống lại nổi của tự nhiên, một bên là sự xuất hiện bất chấp quy luật "hoa lạc tận" của "nhất chi mai". Mùa xuân của thiên nhiên đã trôi qua nhưng mùa xuân và sức sống trong mỗi con người vẫn hiên ngang và cứng cỏi.
Hai câu thơ bảy chữ kết thúc bài thơ tạo nên một thế đứng vững vàng. Đó là thế đứng của con người đã giác ngộ được chân lí của sự sống: quy luật của tự nhiên là quy luật của vạn vật trong trời đất, song với tinh thần lạc quan, ý chí sắt đá, con người có thể vượt lên trên quy luật nghiệt ngã ấy.
Sự phát triển thịnh trị của Phật giáo thời Lí cùng với tư tưởng "nhập thế" tích cực, đã sản sinh cho dân tộc ta những nhà sư tài ba, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và đóng góp cho văn học dân tộc những tác phẩm có giá trị triết lí sâu sắc. Cáo tật thị chúng đã chứng tỏ sự khởi đầu đáng tự hào của văn học dân tộc.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Một Thiền sư nhận định "Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó." Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở .
Việc trước mắt qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Mãn Giác Thiền Sư )
Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn. Quy luật là như thế và nền tảng của sự sống cũng như vậy. Bài thơ không còn dừng lại ở dấu ấn xưa nay của thi ca là ca ngợi miêu tả thuần túy một vẻ đẹp hay một cảm xúc bay bổng, đôi cánh cảm nhận mang màu sắc trí tuệ đã nâng lên những giá trị mang tính muôn thuở, một thế giới quan và hơn thế nữa_nhân sinh quan sống động.Xuân đi trăm hoa rụng.
Một mệnh đề tưởng bình thường, chẳng có gì cao sâu, nhưng mấy ai cảm nhận và chấp nhận được.Ta vẫn đau lòng khi ai đó mất đi, vẫn hụt hẫng vì một sớm chia lìa hay một chiều tang tóc, ta biết sự đến đi là tất nhiên nhưng vẫn mong cho"thời gian dừng lại" hay "tuổi thơ quay về. Ta vô tình tự mâu thuẫn chí ít là với những hiểu biết cơ bản nhất của chính mình. Ở điểm này, câu thơ đã có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc.
Xuân đến trăm hoa nở.Đây chính là sự tất nhiên mang tính vĩnh hằng. Vốn dĩ xưa nay con người chỉ muốn và mãi muốn thụ hưởng và chấp nhận những gì quy luật mang lại, hợp với chí hướng của mình, do đó mà có tâm lý vui khi Xuân về hoa nở, buồn khi Đông đến hoang liêu. Đâu biết rằng Đông chính là nền tảng để một ngày Xuân bừng dậy tinh khôi hào nhoáng.
Không có đêm, làm gì có ngày, không có Đông làm gì có mùa Xuân, hiểu cả về mặt sự đối chiếu làm nổi bật và tính triết lý nền tảng .Những nỗi đau càng chồng chất nỗi đau khi bên cạnh sự khắc khoải của thịt da, ta lại bồi đắp thêm sự xót xa tiếc nuối hay sợ hãi triền miên, thì tất yếu sự khổ đau càng gấp bội và đáng thương cho ai vẫn mong mỏi một điều không thật có là trẻ mãi không già, sống hoài không chết ,...
Vậy nên hoa nở và hoa rụng chẳng qua là một vòng quay, sự tuần hoàn tất yếu mà với cái nhìn biện chứng, tự nó không mâu thuẫn mà là hai mặt hữu cơ và bổ sung nhau .Và từ sự tổng quan rộng lớn, Thiền sư đã đưa về mảng thời sự tính, đó là thân phận con người , điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt:Trước mắt sự qua mãi Trên đầu già đến rồi.Quy luật của trời đất vốn mang tính lạnh lùng và công bằng đến tuyệt đối .Khổng Lão Trang có quan điểm:Thiên trường địa cửu hữu thời tận....Thiên địa bất nhân...Bất nhân ở đây chính là không thiên vị, nhân nhượng bất cứ ai, bất cứ điều gì.Đó là quy luật tự nhiên.
Rồi một ngày có kẻ sĩ kiêm nhà hiền triết đất. Trung nguyên tiễn đưa bạn đời quá cố về miền vĩnh hằng với khúc. Cổ bồn phiêu nhiên vô tư lự! Bóng câu qua cửa sổ, giấc mộng kê vàng, đời người giấc mộng,... là những ý tứ người ta vẫn thường chỉ về sự đổi thay. Nhưng chẳng có gì nhanh, chẳng có gì chậm, mức độ vẫn bấy nhiêu, chẳng qua do con người áp đặt lên chúng bằng một thứ người ta quen gọi là thời gian tâm lý, do tiếc nuôí sự đã qua, do mong mỏi kéo dài những gì tâm đắc :
Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết
Một ván cờ thua ngả bóng chiều
(Vũ Hoàng Chương)
Việc vẫn trôi qua đều đều, người cũng tuần tự già đi . Già bởi đã trải qua thời trai trẻ, và trẻ rồi cũng sẽ già, vết thời gian in đậm trên thân xác mỗi sinh linh, ta không thể chuyển dời, duy tâm ta thì có thể . Ta hiểu được cuộc đời, sống chung với sanh, già, bệnh, chết vô tư như một dòng triển chuyển tất nhiên, ta cứ lạc quan khi tuổi già gõ cửa, có thể làm được quá đi chứ!
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Con người chỉ nắm bắt hiện tượng đang diễn ra , và rồi cố chấp vào những ảnh hóa đó bằng tâm cứng đọng phi biện chứng .Sự cố chấp này chi phối cả thế giới tư duy và màu sắc cảm nhận của chủ thể .Khi Thiền sư nói "đừng bảo..."cũng có nghĩa, Ngài chỉ ra sự phiến diện của tư duy què quặt cố hữu của con người. Đó là những rối rắm nội tại phát sinh từ sự thiếu chân xác trong kiến quan hạn hẹp để rồi bao hệ lụy cũng từ đó phát sinh theo mô thức phản ứng dây chuyền trong thế giới hạt nhân phóng xạ .
Có thể nói câu thơ như một hình thức KHAI ( mở), mang lại cái nhìn mới chân xác và thiết thực hơn cho các đối tượng.Đêm qua sân trước một nhành mai. Hãy thoát ly sự cố chấp đi, anh sẽ nhìn rõ hơn sự mầu nhiệm của cuộc sống. Cành mai hôm nào, nay đã không còn và anh sẽ bảo chẳng có mai. Thiền sư không nói về cành mai cụ thể trong một thời điểm cụ thể đó, Ngài đang nói về cành mai BẤT DIỆT, cành mai bản thể (bản chất, nền tảng ).
Đây có thể gọi là phần THỊ( chỉ rõ)so với phần KHAI ở trên.Về phương diện biện chứng học, chẳng có gì biến mất, chẳng có gì tự nhiên xuất hiện, chỉ có sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Tôi tuy không phải là cha tôi nhưng cha tôi vẫn hiện hữu trong tôi mặc dầu ông ấy đã mất từ lâu, dị mà đồng, đồng mà dị. Biết rõ sự đổi thay là hiện tượng ,sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng ta.
Sống chung với quy luật của trời đất là biết chấp nhận nó, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được .Một Thiền sư nhận định" Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó "Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ.
Một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian và vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, hai tiêu chuẩn để xác định sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng. Sự an nhiên tự tại trước cái chết (thị tịch)của Thiền Sư biểu hiện cao độ, thay vì Ngài là nhân tố đáng thương hại, lại chính là nhân tố chủ động trấn an những đệ tử, những người vẫn đang khỏe mạnh trẻ trung.
Đối diện sự ra đi, Ngài vẫn dõng dạc trong những Pháp kệ được Đường thi hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật văn học, lại hàm dung triết lý sâu xa. Cả một đời phụng sự Đạo Pháp, trải bao bài thuyết pháp độ sinh, nay, ngay cả trong giờ khắc còn lại ít ỏi trên cõi đời và đang đối diện cái mà con người kinh khiếp nhất (cai chết ),Thiền Sư vẫn tự tại biến đó thành bài Pháp cuối cùng của đời mình và đã trở thành bài thơ bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay .
Xin cảm ơn Thiền Sư đã để lại cho chúng ta một hình ảnh phi phàm về khí phách LÝ- TRẦN đã một thời oanh liệt của cha ông .
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ngược dòng thời gian, lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc vào thời đại Lý Trần, một thời đại vàng son của tổ quốc, cũng là giai đoạn hưng thịnh nhất của đạo Phật.
Vào thời đại Lý Trần, Phật giáo được xem như là quốc giáo, từ vua quan đến dân chúng đều tu học theo giáo pháp của chư Phật, có được nhiều vị thiền sư chứng ngộ uyên thâm giữ gìn và truyền thừa giáo pháp của chư Phật. Thông thường, trước khi lìa bỏ xác thân, xa rời cõi đời huyễn mộng, chư vị thiền sư đều để lại cho đời một bài thi kệ, đấy là lời sách tấn cuối cùng, lời di huấn cuối cùng của quý Ngài đối với chúng đệ tử và cũng là thể hiện sự chứng đạt chân lý của tự thân.
Lời kệ nào cũng cao thâm, vi diệu, câu kệ nào cũng chuyển tải chân lý cuộc đời. Nhưng không hiểu tại sao, đã gấp sách lại rồi mà hình ảnh “đêm qua sân trước một cành mai” trong bài “Cáo tật thị chúng” của Ngài Mãn Giác cứ hiện ra trong tâm trí con khiến con ưu tư mãi. Nay con xin Ngài cho con được mạo muội tỏ bày suy nghĩ của một kẻ “mông học” về bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Ngài.
Vừa đọc qua câu kệ:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai”.
(Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười).
Người đọc đã bắt gặp nơi đây một sự khác thường. Bởi chúng ta thường nhắc đến sự tươi đẹp, huy hoàng trước khi nhắc đến sự tan tác, chia lìa. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì ai cũng ưa thích, ham muốn cái đẹp, trân quí sự hoàn mỹ chứ không ai muốn nhắc đến sự rủi ro, sự không hoàn thiện,… Ở đây, Ngài Mãn Giác đã đảo lộn qui luật đó. Ngài đã nói đến sự “lạc” (rụng) trước khi nhắc đến sự “khai” (nở).
Hai câu kệ đã diễn tả một sự thật của tự nhiên: Xuân qua thì muôn hoa tan tác, rụng rời; xuân đến thì muôn hoa khoe sắc nở thắm. Sự thật này đã trở thành một quy luật chung của vũ trụ và đi vào trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi người. Ngài Mãn Giác đã diễn tả một cách trái ngược như thế phải chăng Ngài muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: Nếu đã có xuân đến thì phải có xuân qua, đấy là qui luật vận hành của vũ trụ.
Con người phải sống làm sao để có thể giữ được lòng mình bình thản trước sự thịnh suy của cuộc đời khi chúng đến với mình. Trở lại với hiện thực của cuộc sống, Ngài nhận thấy:
“Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai”.
(Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi).
Sự đời cứ thế trôi qua trước mắt người, ngày lại qua đêm, đêm lại nối ngày. Biết bao nhiêu cuộc đổi thay, bao nhiêu lần bãi bể hoá thành nương dâu. Đa số mọi người đều bị cuốn vào dòng chảy của cuộc đời, mãi chạy theo sự xoay vần của ngoại cảnh, bị ngoại cảnh chi phối. Chúng làm hoa cả mắt, loạn cả tâm, đến nỗi quên mất chính mình. Trong cuộc đời có mấy ai làm chủ được bản thân, nhìn vào sự biến chuyển đang diễn ra trên tấm thân của mình trong từng phút, từng giây.
Cho nên Ngài đã đánh thức: “Lão tùng đầu thượng lai”– Trên đầu già đền rồi. Hãy nhìn lại trên đầu của mình, tóc đã điểm bạc, tuổi già đã đến rồi đó, phải chấm dứt ngay những cuộc rong ruổi theo cảnh phù du bên ngoài, trở về lo cho tự thân của mình, nuôi dưỡng thân tâm của mình bằng chất liệu từ bi và công phu tu tập thiền định, rèn luyện cho mình một nếp sống đạo đức, thấm đượm tình người.
Không nên đợi đến tuổi già mới học đạo, mới tu dưỡng tâm tánh, bởi lúc về già thì thân thể suy nhược, tinh thần sút kém, trí óc không còn như lúc mạnh khoẻ trước đây nữa. Và “không thể có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể suy nhược”. Lúc về già, dù có cố gắng đến bao nhiêu thì cũng khó lòng đạt được mục đích, vì đến lúc đó thì “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, cổ đức cũng đã từng dạy rằng:
“Mạc đãi lão lai phương học đạo
Cô phần đa thị thiếu niên thân”.
(Chớ đợi tuổi già mới học đạo
Mồ hoang lắm kẻ tuổi thanh xuân).
Thế nên, với tâm từ bi vô lượng, Ngài Mãn Giác đã hiến dâng trọn đời mình cho hạnh phúc, an lạc của chúng sanh. Ngay những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Ngài vẫn tha thiết khuyên bảo, khích lệ mọi người dũng mãnh, tinh tiến trên con đường tìm về bến giác, trở về quê hương tươi đẹp ngàn đời. Bốn câu đầu của bài kệ, Ngài diễn tả theo phương diện tục đế, Ngài vận dụng ngôn ngữ và ý niệm của đời thường nên tương đối dễ hiểu, dễ cảm thụ và ai cũng có thể chấp nhận được, nhưng đến câu:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai).
Thì rất nhiều người cảm thấy sửng sốt, bỡ ngỡ. Sửng sốt và bỡ ngỡ cũng phải, tại vì họ đang tiếp cận với một quan điểm rất khác thường: Mùa xuân đã qua mà vẫn còn hoa mai nở. Với sự nhận thức bình thường thì không thể nào chấp nhận và không thể nào hiểu được thâm ý của hai câu kệ trên. Nhưng với những người hiểu đạo, biết chút ít về đạo Phật, về ngôn ngữ nhà thiền thì khi đọc qua hai câu kệ trên, họ cảm nhận được phần nào ý nghĩa của nó.
Ở đây, Thiền sư đã dùng ngôn ngữ để chuyển tải một vấn đề vượt ra ngoài phạm trù ngôn ngữ và ý niệm, đấy là trạng thái, là cảnh giới của những người đã giác ngộ, đã nếm được hương vị giải thoát và đang sống trong sự tràn ngập niềm hạnh phúc vô biên, là sự vĩnh hằng bất diệt, vượt ra ngoài ý niệm về thời gian và không gian. Ngài Mãn Giác đang sống trong trạng thái ấy nên đối với Ngài, lúc nào cũng cảm thấy “mùa xuân” đang hiện hữu, lúc nào cũng thấy “nhất chi mai” ở trước sân.
Cành mai trong văn cảnh này không còn là cành mai “bằng xương bằng thịt” nữa mà đã là cành mai tinh thần. Đây là trạng thái chung của những người đã chứng ngộ, là một sự thật, nhưng chỉ những ai đã vào được cảnh giới đó mới cảm nhận một cách tinh tường về sự thật vi diệu này. Hai câu kệ ấy còn cho mọi người nhận ra được trong muôn vạn sự đổi thay, dịch chuyển của vạn hữu còn có cái không bị chi phối bởi qui luật thành – trụ – hoại – không, trong sự vô thường vẫn có cái thường hằng, bất biến, đấy là “bản lai diện mục” trong mỗi chúng sanh.
Qua hai câu kệ cuối cùng trong bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng”, thiền sư Mãn Giác còn khuyên bảo chúng đệ tử và tất cả mọi người rằng: Đừng lo sợ trước cảnh “hoa tàn lá rụng”, chỉ sợ là tự thân mỗi người chưa đủ sức tỉnh giác để kiểm soát thân, tâm của mình mà thôi. Hãy sống làm sao để mọi cử chỉ, hành động, lời nói của mình đều có thể đem lại hạnh phúc, an vui cho người khác, sống làm sao để mỗi bước đi là một bước tiến gần đến bến bờ giải thoát. Hãy tinh tấn lên, mọi người đều sẽ có ngày sống với mùa xuân trường cửu của cõi lòng.
Điểm lại toàn bộ lời thi kệ, chúng ta thấy rằng, đây là sự đúc kết những tinh hoa của đạo giải thoát, là quá trình thực tu thực chứng của thiền sư Mãn Giác. Tuy Ngài chưa đạt được sự giác ngộ viên mãn như chư Phật, nhưng Ngài đã bước những bước chân thần kỳ, đã đạt được trạng thái tâm linh ít người đạt được. Bài kệ của Ngài khiến cho nhiều người phải ưu tư, muốn giải tỏa nỗi ưu tư này thì không còn con đường nào khác hơn là sự thể nghiệm của tự thân.
Vì thế mà bài kệ của Ngài trở thành ngọn đuốc soi đường cho mọi người trở về với nếp sống chân thiện mỹ, trở về với chân lý của lẽ sống ngàn đời. Bài kệ còn thúc đẩy mọi người đi tìm hạnh phúc chân thường cho cuộc sống. Có thể khẳng định rằng, thiền sư Mãn Giác, cũng như bài thi kệ của Ngài sẽ sống mãi, tồn tại mãi trong lòng những con người yêu chân lý và đi tìm chân lý.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn. Quy luật là như thế và nền tảng của sự sống cũng như vậy. Bài thơ không còn dừng lại ở dấu ấn xưa nay của thi ca là ca ngợi miêu tả thuần túy một vẻ đẹp hay một cảm xúc bay bổng, đôi cánh cảm nhận mang màu sắc trí tuệ đã nâng lên những giá trị mang tính muôn thuở, một thế giới quan và hơn thế nữa nhân sinh quan sống động.
Xuân đi trăm hoa rụng. Một mệnh đề tưởng bình thường, chẳng có gì cao sâu, nhưng mấy ai cảm nhận và chấp nhận được.Ta vẫn đau lòng khi ai đó mất đi, vẫn hụt hẫng vì một sớm chia lìa hay một chiều tang tóc, ta biết sự đến đi là tất nhiên nhưng vẫn mong cho"thời gian dừng lại" hay "tuổi thơ quay về. Ta vô tình tự mâu thuẫn chí ít là với những hiểu biết cơ bản nhất của chính mình. Ở điểm này, câu thơ đã có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc.
Xuân đến trăm hoa nở. Đây chính là sự tất nhiên mang tính vĩnh hằng. Vốn dĩ xưa nay con người chỉ muốn và mãi muốn thụ hưởng và chấp nhận những gì quy luật mang lại, hợp với chí hướng của mình, do đó mà có tâm lý vui khi xuân về hoa nở, buồn khi đông đến hoang liêu. Đâu biết rằng đông chính là nền tảng để một ngày xuân bừng dậy tinh khôi hào nhoáng. Không có đêm, làm gì có ngày, không có đông làm gì có mùa xuân, hiểu cả về mặt sự đối chiếu làm nổi bật và tính triết lý nền tảng.
Những nỗi đau càng chồng chất nỗi đau khi bên cạnh sự khắc khoải của thịt da, ta lại bồi đắp thêm sự xót xa tiếc nuối hay sợ hãi triền miên, thì tất yếu sự khổ đau càng gấp bội và đáng thương cho ai vẫn mong mỏi một điều không thật đó là trẻ mãi không già, sống hoài không chết,...
Vậy nên hoa nở và hoa rụng chẳng qua là một vòng quay, sự tuần hoàn tất yếu mà với cái nhìn biện chứng, tự nó không mâu thuẫn mà là hai mặt hữu cơ và bổ sung nhau. Và từ sự tổng quan rộng lớn, Thiền sư đã đưa về mảng thời sự tính, đó là thân phận con người, điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt:
Trước mắt sự qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Quy luật của trời đất vốn mang tính lạnh lùng và công bằng đến tuyệt đối. Khổng Lão Trang có quan điểm:
Thiên trường địa cửu hữu thời tận....
Thiên địa bất nhân...
Bất nhân ở đây chính là không thiên vị, nhân nhượng bất cứ ai, bất cứ điều gì. Đó là quy luật tự nhiên. Rồi một ngày có kẻ sĩ kiêm nhà hiền triết đất Trung Nguyên tiễn đưa bạn đời quá cố về miền vĩnh hằng với khúc Cổ bồn phiêu nhiên vô tư lự!
Bóng câu qua cửa sổ, giấc mộng kê vàng, đời người giấc mộng,... là những ý tứ người ta vẫn thường chỉ về sự đổi thay. Nhưng chẳng có gì nhanh, chẳng có gì chậm, mức độ vẫn bấy nhiêu, chẳng qua do con người áp đặt lên chúng bằng một thứ người ta quen gọi là thời gian tâm lý, do tiếc nuối sự đã qua, do mong mỏi kéo dài những gì tâm đắc:
Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết
Một ván cờ thua ngả bóng chiều
(Vũ Hoàng Chương)
Việc vẫn trôi qua đều đều, người cũng tuần tự già đi. Già bởi đã trải qua thời trai trẻ, và trẻ rồi cũng sẽ già, vết thời gian in đậm trên thân xác mỗi sinh linh, ta không thể chuyển dời, duy tâm ta thì có thể. Ta hiểu được cuộc đời, sống chung với sanh, già, bệnh, chết vô tư như một dòng triển chuyển tất nhiên, ta cứ lạc quan khi tuổi già gõ cửa, có thể làm được quá đi chứ!
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Con người chỉ nắm bắt hiện tượng đang diễn ra, và rồi cố chấp vào những ảnh hóa đó bằng tâm cứng đọng phi biện chứng. Sự cố chấp này chi phối cả thế giới tư duy và màu sắc cảm nhận của chủ thể. Khi Thiền sư nói "đừng bảo..." cũng có nghĩa, Ngài chỉ ra sự phiến diện của tư duy què quặt cố hữu của con người. Đó là những rối rắm nội tại phát sinh từ sự thiếu chân xác trong kiến quan hạn hẹp để rồi bao hệ lụy cũng từ đó phát sinh theo mô thức phản ứng dây chuyền trong thế giới hạt nhân phóng xạ.
Có thể nói câu thơ như một hình thức KHAI (mở), mang lại cái nhìn mới chân xác và thiết thực hơn cho các đối tượng. Đêm qua sân trước một nhành mai. Hãy thoát ly sự cố chấp đi, anh sẽ nhìn rõ hơn sự màu nhiệm của cuộc sống. Cành mai hôm nào, nay đã không còn và anh sẽ bảo chẳng có mai. Thiền sư không nói về cành mai cụ thể trong một thời điểm cụ thể đó, Ngài đang nói về cành mai "bất diệt", cành mai bản thể (bản chất, nền tảng). Đây có thể gọi là phần "thị" (chỉ rõ) so với phần "khai" ở trên.
Về phương diện biện chứng học, chẳng có gì biến mất, chẳng có gì tự nhiên xuất hiện, chỉ có sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Tôi tuy không phải là cha tôi nhưng cha tôi vẫn hiện hữu trong tôi mặc dầu ông ấy đã mất từ lâu, dị mà đồng, đồng mà dị. Biết rõ sự đổi thay là hiện tượng, sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng ta. Sống chung với quy luật của trời đất là biết chấp nhận nó, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được .
Một Thiền sư nhận định "Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó". Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ. Một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian và vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, hai tiêu chuẩn để xác định sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng.
Sự an nhiên tự tại trước cái chết (thị tịch) của Thiền sư biểu hiện cao độ, thay vì Ngài là nhân tố đáng thương hại, lại chính là nhân tố chủ động trấn an những đệ tử, những người vẫn đang khỏe mạnh trẻ trung. Đối diện sự ra đi, Ngài vẫn dõng dạc trong những Pháp kệ được Đường thi hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật văn học, lại hàm dung triết lý sâu xa.
Cả một đời phụng sự Đạo Pháp, trải bao bài thuyết pháp độ sinh, nay, ngay cả trong giờ khắc còn lại ít ỏi trên cõi đời và đang đối diện cái mà con người kinh khiếp nhất (cái chết), Thiền Sư vẫn tự tại biến đó thành bài Pháp cuối cùng của đời mình và đã trở thành bài thơ bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 1
Thơ văn Lí - Trần là một đỉnh cao rực rỡ của nền văn học trung đại Việt Nam. Trong dòng văn học đậm chất Thiền đó, Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) là một tên tuổi tiêu biểu dù ông sáng tác không nhiều. Ông là một cao tăng đức cao, đạo trọng và cũng là một vị thiền sư có tâm hồn và tài hoa của một nhà thi sĩ. Với bài thi kệ "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng), Mãn Giác Thiền Sư được xem như là một nhà thơ có công đặt nền móng cho dòng thơ thiền thời Lí.
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua xuân trước một nhành mai.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
"Cáo bệnh bảo mọi người" vốn là một bài thi kệ, một thể loại kinh kệ của Phật giáo, được sáng tác bằng chữ Hán (Cáo tật thị chúng). Bài thơ đã được Thiền Sư đọc cho đệ tử nghe khi ông lâm bệnh. Qua bài thơ người đọc có thể hiểu được một triết lí sâu sắc của Thiền môn, một quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả. Dù tuổi cao, bệnh nặng nhưng vẫn lạc quan, tư duy tích cực và tha thiết yêu đời. Mở đầu bài thơ là hai câu ngũ ngôn có nhịp điệu nhẹ nhàng, bình thản như bước đi muôn thuở của thời gian:
Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Hai hình ảnh đối lập phản ánh một quy luật tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi nữa. Muôn đời, muôn thuở, xuân đến rồi đi, hoa nở hoa tàn thành một vòng tuần hoàn bất tận. Tuy nhiên, thế nhân không phải ai cũng hữu tâm mà để ý hơn thế còn khái quát quy luật ấy một cách cô đúc, nhẹ nhõm đến như vậy. Con người chúng ta ai cũng chuộng mùa xuân, ai cũng thích nhìn hoa nở nên không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối đến buồn phiền khi mùa xuân qua, cánh hoa rơi xuống. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng thở dài: Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại. Sau này, nhà thơ Xuân Diệu cũng u hoài vì cái nỗi:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
Thế đấy, bao lớp thi nhân đã từng băn khoăn, tiếc nuối vì quy luật vô tình của tạo hóa. Chỉ có những con người đã trải qua bao thăng trầm, đã hiểu rõ quy luật của trời đất, đã thấm nhuần những tư tưởng uyên thâm mới có thể an nhiên mà sống giữa cái vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông; sinh lão bệnh tử; thành, trụ, hoại, không... một Thiền sư như Mãn Giác chắc chắn là người rõ nhất và "vô tâm" nhất trước cái quy luật vĩnh hằng đó "Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền".
Nhưng Mãn Giác còn là một nhà sư sống giữa thời đại mà tôn giáo không tách biệt hoàn toàn với việc nước, việc đời. Thời Lí, đạo Phật là quốc giáo, rất nhiều nhà sư đã có công lớn trong việc gìn giữ giang sơn xã tắc. Với tinh thần nhập thế tích cực, Thiền sư Mãn Giác cũng chiếu cố đến quy luật của cuộc sống nhân sinh:
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Dòng thời gian trôi là bất biến, mọi việc trong đời cũng theo dòng thời gian mà trôi qua mãi. Dấu vết thời gian trên mái đầu của con người thì không ai tránh khỏi. Hai câu thơ vẫn với âm điệu nhẹ nhàng của thể ngũ ngôn nhưng nghe phảng phất một chút tâm tình của một vị cao niên nhận thức rõ thời gian của bản thân không còn bao nhiêu nữa. Tuổi già đến cũng là một quy luật mà con người có chống cũng không nổi.
Huống chi vị Thiền sư có thừa thông tuệ để thấu đáo và xem như một điều tất yếu. Chỉ có điều, là một nhân tố tích cực của xã hội và thời đại thì mấy ai không cảm thấy mình vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành, chưa cống hiến hết cho quốc gia, dân tộc. Đó hoàn toàn không phải là lòng ham sống bình thường mà có sự cao thượng và ý thức trách nhiệm của một người sớm đã dâng hiến đời mình cho chúng sinh, hiểu một góc hẹp hơn đó chính là nhân dân vậy. Một chút bùi ngùi chợt lắng xuống nhường chỗ cho tâm thế tích cực, lạc quan vút lên trong hai câu thơ cuối:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua xuân trước một nhành mai.
Từ thể ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn một cách uyển chuyển, nhịp nhàng bộc lộ một tình cảm yêu đời thiết tha, một tư tưởng lạc quan đáng khâm phục. Đáng nói là trong mạch cảm xúc của bài thơ thì hai câu cuối này thật sự gây một ấn tượng mạnh mẽ. Nếu bốn câu trước như một lời tri nhận những quy luật bất biến của thiên nhiên và cuộc sống thì hai câu cuối này lại như đảo dòng quy luật ấy.
Đảo dòng nhưng không hề phi lí mà vẫn thuyết phục người đọc một cách tài tình. Ai cũng hiểu, xuân tàn hoa sẽ rụng nhưng ai cũng sẽ vui mừng khi đâu đó chợt bắt gặp một cành mai nở muộn cuối mùa. Điều đó đặc biệt như một món quà của thiên nhiên và từ đó khái quát thành tư tưởng sống tích cực, sống có ích, sống đẹp dù đang ở bất kì mùa nào của tuổi tác. Càng đáng quý hơn khi đó là lời khuyên của một bậc Thiền sư đang trong những ngày đau ốm, bệnh tật.
"Cáo bệnh bảo mọi người" từ một bài kệ dạy đệ tử của Mãn Giác Thiền sư đã trở thành một bài thơ cô đọng, hàm súc, mượn cảnh nói tâm hết sức độc đáo. Bài thơ không chỉ gửi gắm triết lí Phật Giáo Thiền tông mà còn chứa đựng một nhân sinh quan cao thượng, đẹp đẽ.
Nội dung sâu sắc được gói ghém trong hình thức thơ trang nhã, hài hòa, nhẹ nhàng dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người đọc và đọng lại những cảm xúc tốt đẹp nhất. Từ bài thơ, bao thế hệ người đọc đã ngộ ra chân lí sống giữa cuộc đời, biết chấp nhận những quy luật hằng tồn đồng thời cũng biết chọn góc nhìn và cách sống lạc quan, tích cực phù hợp với quy luật và phát huy ưu điểm của bản thân mình.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 2
Về thời nhà Lí (1009 - 1225), Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt. Sau chiến thắng sông Cầu - Như Nguyệt (1076), nền độc lập của Tổ quốc ta được củng cố, ý thức dân tộc phát triển mạnh mẽ. Việc học hành được mở mang, kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển khá phồn thịnh. Đạo Phật trở thành quốc giáo. Việc xây chùa, đúc chuông, tạc tượng, in kinh Phật diễn ra sôi nổi khắp nơi. Nhiều vị Thiền sư được triều đình trọng vọng. Họ là những con người lỗi lạc, đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách.
Trong số đó, Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) là một vị cao tăng mang tâm hồn thi sĩ tuyệt đẹp. Bài "Cáo bệnh bảo mọi người" (Cáo tật thị chúng) được vị Thiền sư đọc cho các đệ tử nghe khi ông lâm bệnh trọng, trước lúc qua đời. Vốn là một bài kệ (kinh kệ) hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu, nhưng lại tươi mát, gợi cảm, đầy thi vị. Nguyên tác bằng chữ Hán, đây là bản dịch thơ:
"Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai"
(Ngô Tất Tố dịch)
Bài kệ - thơ đã nói lên quy luật của sự sống và thiên nhiên, biểu lộ tâm thế của nhà sư trước quy luật sinh, tử ở cõi nhân gian, cái tịch diệt và cái vĩnh hằng trong vũ trụ. "Cáo bệnh bảo mọi người" gồm 6 câu, cứ 2 câu kết thành một liên đăng đối, hài hoà để lại nhiều ấn tượng thú vị. Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của 4 mùa, tiêu biểu là sự chuyển vần của mùa xuân. Mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương.
Hình ảnh "trăm hoa cười" tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, cho vẻ đẹp của cây cỏ thiên nhiên và mùa xuân. Nhựa sống mùa xuân, hương sắc mùa xuân... còn gì đẹp hơn? Và khi mùa xuân đi qua, ngày tháng sẽ trôi nhanh theo mùa hạ, chuyển sang mùa thu rồi đến mùa đông, chẳng bao lâu lại trở về mùa xuân... cỏ cây, hoa lá, tạo vật cũng biến đổi, sinh trưởng hay phai tàn theo 4 mùa, năm tháng.
Khi mùa xuân trôi qua, "trăm hoa rụng" (bách hoa lạc) theo quy luật của tự nhiên. Hai câu thơ mang màu sắc triết lí, khái quát quy luật tồn tại của thiên nhiên và sự vận động của thời gian. Mùa xuân cũng như sự sống thiên nhiên chuyển biến bất tận: "xuân qua" rồi "xuân tới", "hoa nở" rồi "hoa tàn"... Mùa xuân là vĩnh hằng. Cỏ cây, trăm hoa cũng như vạn vật, con người đều bị chi phối theo quy luật khắc nghiệt của tự nhiên:
"Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười"
Bước đi của mùa xuân "qua... tới", cũng như trăm hoa "rụng... nở", một lối nói đầy cảm xúc, làm cho câu kệ vốn khô khan đã trở thành câu thơ đẹp và hay. Qua đó, ta thấy tâm hồn vị Thiền sư quả là đẹp! Hai câu tiếp theo, Mãn Giác nói về chuyện người, chuyện đời. Trong cõi nhân sinh, vạn vật biến diễn không ngừng, vận động theo năm tháng "Trước mắt việc đi mãi...". Cũng như con người, có sinh tất có tử, lúc khoẻ mạnh ắt có lúc ốm đau, bệnh tật, có tuổi hoa niên trẻ tráng tất cái già sẽ đến.
Quy luật cuộc sống là như thế, vốn thế! Vị cao tăng đang nằm trên giường bệnh, đọc bài kệ này cho các đệ tử nghe. Ông muốn nhắc nhở họ với tất cả sự thanh thản: Ông đã về già, đang "có bệnh, nhất định sẽ "tịch" (chết). Đó là lẽ thường tình, có gì đáng sợ, đáng lo. Ý tưởng và triết lí của câu kệ cao siêu vô cùng. Hãy biết yêu cuộc đời với sự thanh thản - hãy làm chủ cuộc sống:
"Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi".
Bài kệ được khép lại bằng hai câu tuyệt cú, xưa nay được truyền tụng như một vần thơ đẹp trong bài cổ thi:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai).
Hai tiếng "mạc vị" (đừng tưởng) như một lời nhắc khẽ, thấm thía. Câu thơ cấu trúc liên hoàn, tương phản: "hoa rụng hết" và "một cành mai" nở ra. Hình ảnh "nhất chi mai" (một cành mai) là một thi liệu ta thường bắt gặp trong thơ cổ. "Đối ngạn: nhất chi mai", (Bên suối: một nhành mai) - Hồ Chí Minh... nhành mai tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khiết, thanh cao, lộng lẫy của thiên nhiên và con người.
Trong bài thơ này, cành mai nở hoa buổi xuân tàn là một hoán dụ nghệ thuật, nhà thơ lấy nó để nói về mình, chỉ về mình, biểu lộ một quan niệm nhân sinh của vị chân tu: vạn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi, có sinh, trưởng, lão, bệnh, tử... nhưng nhà tu hành chân chính, đắc đạo có thể vượt ra khỏi vòng sinh tử, ngoài quy luật tự nhiên như cành mai nở hoa buổi xuân tàn, khi trăm hoa đã rụng hết! Vậy thì ta (Thiền sư Mãn Giác) đang "có bệnh" là chuyện thường tình, theo quy luật của tự nhiên có gì đáng băn khoăn? "Thác là thể phách, còn là tinh anh" (Truyện Kiều).
Ngoài triết lí sâu xa của đạo Phật, được cụ thể hóa và hình tượng hóa qua hình ảnh "nhất chi mai", câu thơ còn ẩn chứa một ý nghĩa đẹp: nhà sư rất lạc quan yêu đời. Với ông, thì thiên nhiên hữu sắc hữu hương, tràn đầy sức sống, tươi mát trẻ trung, cuộc sống không ngừng vươn lên mạnh mẽ theo dòng chảy thời gian.
Bài kệ "Cáo tật thị chúng" thể hiện một cốt cách, một quan niệm sống đẹp của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Tư tưởng Phật giáo hoà quyện với chất thơ, tầm cao sâu triết lí đạo Phật được trang phục bằng lời thơ đẹp, giàu hình tượng và cảm xúc.
Bài kệ đã trở thành bài cổ thi, đã đi suốt hành trình một thiên niên kỉ. Đọc bài "Cáo tật thị chúng", ta trân trọng tinh thần yêu đời, yêu sự sống của vị Thiền sư, chúng ta yêu thêm vẻ đẹp trắng muốt của cành mai nở hoa buổi xuân tàn. Dư vị của bài thơ như một lời nhắc khẽ: hãy làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời và biết làm chủ bản thân mình, để yêu đời, yêu cuộc sống, để lao động và học tập say mê.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 3
Trong Phật giáo, trước khi lìa bỏ cuộc đời thì các thiền sư thường làm một bài thi kệ, đây là những triết lí mà thiền sư giác ngộ được trong cuộc đời, đồng thời đó cũng là những lời giáo huấn cho chúng đệ tử. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” được Mãn Giác Thiền sư sáng tác khi thiền sư đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ đã thể hiện được nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc đời. Trong những câu thơ đầu tiên, Mãn Giác thiền sư đã gợi ra trạng thái của những bông hoa khi tàn tàn – nở:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai”
Dịch:
(Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười)
Trong hai câu thơ đầu tiên này chúng ta cảm nhận được sự độc đáo trong cách thể hiện. Bởi chúng ta thường nhắc đến những cái đẹp, những giây phút huy hoàng trước khi nói về sự tàn úa, phôi pha bởi đây là một tâm lí thông thường ở con người, trong chúng ta ai cũng thích những cái đẹp đẽ, hoàn thiện mà không ai muốn nói đến sự phôi pha, chia lìa.
Ở trong hai câu thơ này, Mãn Giác Thiền sư đã nói về sự tàn úa của những bông hoa trước khi nói về sự tươi đẹp, bung nở của những bông hoa. Hai câu thơ đã thể hiện được quy luật của tự nhiên: Xuân đi trăm hoa sẽ tàn úa, phôi pha theo, xuân đến mang đến sự sống cho trăm hoa.
Tác giả đã lựa chọn cách nói trái ngược như để nhắn nhủ đến mọi người: xuân đến rồi cũng sẽ đi, đây là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi, do vậy con người cần giữ cho mình tâm thế bình thản để đối mặt với nhiều biến động trong cuộc sống. Trong thơ của Xuân Diệu ta cũng bắt gặp quan niệm về sự chảy trôi tuần hoàn của vũ trụ:
“Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Trở lại với bài thơ, ta có thể thấy con người luôn bị xoay vần bởi những nhịp vận động của cuộc sống, trong cuộc đời của mỗi người có biết bao đổi thay, chính những đổi thay của ngoại cảnh ấy làm cho con người đắm chìm trong nó mà đôi khi quên mất cả bản thân mình.
“Sự nhục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai”
Dịch:
Việc đời ruổi qua trước mắt
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu
Con người luôn chạy theo những nhịp vận động không ngừng của cuộc sống mà vô tình quên mất chính mình, để khi quay đầu lại thì tuổi già đã đến. Mãn Giác thiền sư như muốn truyền đạt một triết lí: Cần ngừng lại những cuộc rong ruổi theo những danh vọng phù phiếm mà nên lo cho chính bản thân của mình, rèn luyện để có thể sống đạo đức, tình nghĩa hơn.
Không nên đợi tuổi già đến mới lo việc học đạo bởi khi về già đầu óc không còn được minh mẫn, nhanh nhạy như khi còn trẻ nữa, cũng như “không có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể suy nhược”. Khi về già mới cố gắng thì khó có thể đạt được những mục đích mà mình đề ra, dù có quyết tâm nhưng lực bất tòng tâm.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Dịch:
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai)
Có thể có nhiều người sẽ thấy ngỡ ngàng, khó hiểu vì xuân đã tàn mà mai chưa tàn. Ở đây, Mãn Giác thiền sư đã sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những triết lí phật giáo đầy sâu sắc. Đây có lẽ không phải là hình ảnh trong thực tế mà nó được dùng để nói về sự giác ngộ, bởi với những người ngộ đạo, đã giác ngộ được những chân lí trong cuộc đời thì có thể cảm nhận được cái đẹp, cái vô hình mà bằng nhận thức khách quan khó có thể thấy được.
Hai câu thơ cuối của bài thơ, thiền sư như muốn nhắn nhủ đến chúng đệ tử: không nên lo sợ đến việc sinh tử trong đời, chỉ sợ mỗi người chưa thực sự giác ngộ để nhận thức được hành động và tâm tính của mình. Hãy sống làm sao để những lời nói, hành động đều có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho bản thân, cho người khác.
Như vậy, bài thơ Cáo tật thị chúng bên cạnh miêu tả những quy luật của tự niên, thiền sư Mãn Giác đã nhắn nhủ nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc sống, mang đến cho độc giả nhiều bài học về cuộc đời, về sự sống thực tại.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 4
Nguyễn Trường hay còn gọi là Mãn Giác Thiền Sư, là một người đọc rộng hiểu nhiều thông cả nho, lão, phật bên cạnh đó ông cũng để lại những sáng tác vô cùng nổi tiếng trong đó có “Cáo bệnh bảo mọi người”, tác phẩm thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời mà một sức sống mãnh liệt để vươn lên.
Với cái nhìn chân thực và sâu sắc nhất, ông cảm nhận sự biển đổi nhỏ nhất của vạn vật xung quanh mình, đối với ông những sự biến đổi đó đều theo một quy luật nhất định.
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa tươi
Xuân qua trăm hoa rụng, xuân tới trăm hoa tươi, tất cả đều theo quy luật của tự nhiên từ xưa đến nay không thay đổi, mỗi năm có bốn mùa và mỗi mùa lại có một đặc điểm riêng biệt như một sự báo hiệu, một bước chuyển mình của tự nhiên, hình ảnh cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa vươn mình khoe sắc như một dấu hiệu cho sự chào đón mùa xuân, để rồi khi xuân đi thì những cành hoa chẳng còn giữ được cho mình những nét tươi đẹp như lúc ban đầu.
Xuân đến xuân đi dường như đã là điều tất yếu không thể thay đổi, nhưng trong cái nhìn lạc quan của tác giả thì hình ảnh xuân qua hoa rụng trước rồi mới đến xuân tới hoa nở thật mới lạ, tác giả muốn lưu giữ lại những nét đẹp của mùa xuân, lưu giữ lại không khí ấm áp tràn đầy sức sống mà thiên nhiên đem lại cho vạn vật.
Xuân đến xuân đi trăm hoa nở rồi lại rụng đó là sự tuần hoàn của tự nhiên đã diễn ra từ rất lâu, chữ “trăm” thể hiện một vòng lặp không có ngoại lệ, một vòng tuần hoàn của thiên nhiên đã diễn ra từ rất lâu và sẽ không bao giờ thay đổi được. Ngoài những quy luật của tự nhiên đối với tác giả con người cũng đang sống theo một quy luật nhất định không thể thay đổi được.
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Thời gian vẫn luôn vận động mà không đợi bất cứ ai, không đợi bất cứ điều gì, thời gian trôi kéo theo biết bao sự việc không kể lớn nhỏ trong đó có cả con người. Con người theo năm tháng rồi cũng già đi, lớn lên theo thời gian để rồi giật mình nhận ra bản thân đã già thật rồi, biểu hiện rõ nét nhất đó chính là sự đổi màu trên mái tóc.
Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là con người không giống với tự nhiên, tự nhiên trải qua những vòng lặp nhất định nhưng con người thì không, chẳng biểu hiện rõ nét nhưng mỗi người đều sống một cuộc sống, và khi về già thì ai cũng sẽ phải dừng lại tại điểm cuối của quãng đường đời, chỉ có sự khác biệt là mỗi người có một quãng đường dài ngắn khác nhau mà thôi. Dù có hoàn hảo thế nào, dù không thể thay đổi quá nhiều nhưng vẫn luôn tồn tại một sức sống mãnh liệt trong thiên nhiên và trong con người.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Hai câu thơ tường chừng như tả thiên nhiên nhưng không phải, giữa không gian sắp hết xuân, giữa không gian mà muôn loài đã sẵn sàng để chào đón một mùa mới thì hình ảnh cành mai xuất hiện, đối với người xưa hình ảnh đó như một biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết bởi mai có thể chịu được cái giá lạnh của mùa đông, vẫn nở rộ giữa tiết trời lạnh giá vì vậy tác giả đã mượn hình ảnh cành mai để thể hiện sự vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách của con người. Đối với con người khi đã thấu hiểu được những quy luật, đạo lí của tự nhiên sẽ luôn tồn tại một sức mạnh lớn lao vượt lên cả quy luật sinh tử vốn có.
Bài thơ thể hiện rất rõ cái nhìn lạc quan yêu đời mà tác giả thể hiện qua từng câu thơ, cái nhìn đó được tác giả khẳng định qua hình tượng của tự nhiên mang vẻ đẹp tươi tắn gợi lên sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi vô tận và bất diệt, cùng với đó là quy luật sinh tử mà bất cứ ai cũng phải trải qua, mở đầu bằng hình ảnh mùa xuân và kết thúc bằng hình ảnh một cành mai như điểm nhấn cho chính cuộc đời của tác giả, những câu thơ được viết trong khi đang mang bệnh nhưng cái nhìn về cuộc sống của bản thân, về thiên nhiên đã thể hiện bản lĩnh, tinh thần khỏe mạnh đạt đến độ ung dung không phải suy nghĩ.
Qua bài thơ cho người đọc thấy được sự mạnh mẽ bên trong tác giả, là một bậc tu hành giác ngộ được những đạo lí trong cuộc sống, có thể vượt ra được vòng luẩn quẩn để cho bản thân cái nhìn theo chiều hướng đẹp nhất, tích cực nhất.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 5
Văn học thời Lí- Trần, bên cạnh sự phong phú của những tác phẩm viết về hào khí Đông A, về tình yêu nước và tinh thân dân tộc của các vị tướng và đấng minh quân mà còn có một mảng thơ của những vị thiền sư chiêm nghiệm về con người và cuộc đời. Có thể kể đến nhà thơ- nhà thiền sư Mãn Giác với bài thơ nổi tiếng: “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh, bảo mọi người). Nguyên văn chữ Hán của bài thơ:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Những năm 1009- 1225, vào thời Lí, nước ta là một nước phát triển, phồn thịnh. Cuộc sống nhân dân đủ đầy, no ấm. Đạo Phật trở thành quốc giáo, những nhà sư đều có một vị trí trong xã hội và triều đình. Họ đều là những con người đức trọng, tài cao, giỏi thơ văn, tên tuổi sáng ngời sử sách. Mãn Giác Thiền sư là một trong những vị thiền sư thế. Bài “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) được ông viết trước lúc qua đời.
Tác phẩm viết theo thể kệ- do các nhà sư làm để tóm tắt giáo lí đạo Phật hoặc tuyên truyền những điều tâm đắc. Vì thế, những bài kệ thường hàm chứa triết lí đạo Phật cao sâu. Nhưng ở đây, “Cáo tật thị chúng” lại cho chúng ta cảm giác tươi mát, đầy thi vị. Hai câu đầu đã diễn tả quy luật tự nhiên của cuộc sống:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.”
(Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở.)
Hai câu đầu nói lên sự tuần hoàn của 4 mùa, tuần hoàn luân hồi của tạo hóa. Từ “xuân, hoa” được lặp lại diễn tả quy luật phổ biến: mỗi độ xuân về, trăm hoa nở (bách hoa khai) đua sắc khoe hương. Hình ảnh “bách hoa khai “ (trăm hoa cười) tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ đang nảy nở. Khi mùa xuân trôi qua, “bách hoa lạc” (trăm hoa rụng) theo quy luật của tự nhiên.
Hai câu thơ tám chữ mà chứa đựng màu sắc triết lí, khái quát quy có tính muôn thuở của thiên nhiên cũng như cuộc đời: thiên địa tuần hoàn, hay như cách nói của nhà Phật: cuộc đời này vô thường, con người ta sống trong kiếp luân hồi. Nhưng cái hay của Mãn Giác còn là cách nói: xuân đi rồi xuân lại đến, hoa tàn rồi một ngày hoa lại nở. Cuộc sống luôn hướng về phía tươi đẹp và sự sống là bất diệt, luôn tươi ròng sự sống. Từ chuyện thiên nhiên tạo hóa, hai câu tiếp theo, Mãn Giác nói về chuyện người, chuyện đời:
“Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.”
(Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi)
Cuộc sống thiên biến vạn hóa, chuyện mới đây thôi đã trở thành quá khứ, như “trước mắt, việc đi mãi”. Cũng như vậy, con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy, cũng phải trải qua “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhưng khác với thiên nhiên còn tuần hoàn, kiếp sống con người không luân hồi mà theo thời gian, sẽ đi về phía hủy diệt. Thủ pháp đối lập: hoa tươi, hoa nở- trên đầu già đến rồi đã thể hiện ý thức của Mãn Giác về sự hữu hạn của đời người trước sự vô thủy vô chung của thời gian.
Câu thơ nói về sự hữu hạn đời người, về cái quy luật “bệnh, tử” mà cứ nhẹ tênh. Người thiền sư ấy đứng trước cái chết, đón nhận nó như một quy luật tất yếu, một cách nhẹ nhàng và chủ động. Đó chính là tâm thế của những con người hiểu thấu sự đời. Để rồi, khi hai câu thơ cuối bật ra, chính là niềm tin, sự lạc quan của con người:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai).
Thiên địa tuần hoàn, đời người ngắn ngủi:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
Nhưng không phải vì thế mà con người bi quan: Hai tiếng "mạc vị ” (đừng tưởng) như một lời nhắc nhẹ nhàng mà thấm thía. Bài kệ kết cấu theo kiểu liên hoàn, sử dụng thủ pháp tương phản: mở đầu bằng “hoa rụng hết ” nhưng kết thúc lại có “một cành mai ” nở ra. “Nhất chi mai ” (một cành mai) là một thi liệu thường được sử dụng trong thơ cổ. Đó là biểu tượng của tinh thần kiên trinh không đổi, không hùa theo thói đời. Khác với các loài hoa khác, hoa mai chống chọi và thích nghi được trong thời tiết khắc nghiệt.
Ở đây, nhành mai buổi xuân tàn là một hoán dụ nghệ thuật. Lấy hoa để nói mình, thấy mình ở trong hoa: cuộc đời là vô thường nhưng con người vẫn có thể khắc phục đi lên như nhành mai vẫn nở bất chấp quy luật của tự nhiên, để là một bông hoa duy nhất, rực rỡ và đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Câu thơ tràn đầy niềm tin, niềm lạc quan của một thái độ bình thản, một nhân cách cao đẹp đứng trước những quy luật vạn vật. Bài kệ được khép lại bằng hai câu tuyệt cú mà xưa nay được truyền tụng như một vần thơ đẹp trong bài cổ thi.
Bài kệ “Cáo tật thị chúng ” không chỉ là những chiêm nghiệm của một con người tiến gần tới cõi hạn nhìn về cuộc sống và đời người mà còn là một cái nhìn lạc quan, là thái độ vươn lên sống có ích. Đó mới thấy được một cốt cách và tâm hồn của vị Thiền sư đức trọng tài cao. Câu thơ thấm nhuần tư tưởng Phật giáo mà không hề khô khan, triết lí cao siêu được trang phục bằng ngôn từ giản dị mà chính xác, giàu hình tượng và cảm xúc làm thu phục lòng người.
Bài kệ đã đi được hành trình gần một thiên niên kỉ, gần một ngàn mùa hoa tàn, xuân đến nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính triết lí của nó. “Cáo tật thị chúng”- bài cổ thi còn khai minh cho người đọc nhiều thế hệ nữa.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 6
Thiền sư Mãn Giác là người ham học, thông hiểu cả Nho giáo và Phật giáo nên đã được vua Lí Nhân Tông sủng ái, tuyển vào cung cho học tập từ nhỏ. Ông là một thiền sư nổi tiếng. Bài thơ " Cáo tật thị chúng" của ông đã nói đến những triết lí rất sâu sắc.
Thời gian như một nỗi ám ảnh miên viễn với con người. Nhận thức được thời gian, con người lại càng hoảng sợ vì biết cuộc sống ngắn ngủi, mong manh. Vì thế, thi nhân Xuân Diệu mới có một khao khát đến tột cùng: “Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.” (Giục giã) Con người luôn muốn níu giữ thời gian, trì hoãn cuộc sống. Thế nhưng với thiền sư Mãn Giác, hiểu được quy luật của tự nhiên là để an lạc chấp nhận, trân trọng từng giây phút được sống chứ không phải chạy đua với thời gian. Quan niệm ấy được thiền sư bộc bạch trong “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh, bảo mọi người).
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Đây vốn là một bài kệ, mang chức năng truyền bá, giải thích đạo Phật. Bài kệ mang ý tứ sâu xa, thường dùng cách nói ẩn dụ, kín đáo. Kệ thường được viết bằng văn vần, có giá trị văn chương. Bài “Cáo tật thị chúng” không biết được viết vào năm nào trong cuộc đời 44 tuổi của vị thiền sư, nhưng hẳn đang vào lúc đau yếu, đe dọa đến tính mạng. Bài thơ thể hiện một tâm hồn bình thản trước bệnh, tử, già, không hề buồn sợ, xót đau. Đó là tâm hồn đại giác.
Bốn câu thơ đầu nói lên quy luật sinh hóa của tự nhiên, của con người: hoa cũng giống như người luôn vận động, biến thiên. Sự sống là một vòng luân hồi. Mùa xuân qua hoa cỏ úa tàn, khi xuân đến hoa cỏ lại tươi tốt. Nhà thơ dùng hình ảnh hoa rụng, hoa nở để nói về tuần hoàn như vòng bánh xe không ngừng chuyển động: hoa rụng trước rồi đến hoa nở thì mới gợi lên được một vòng tuần hoàn. “Nếu nói hoa nở rồi hoa tàn thì chỉ nói được một kiếp trong vòng đời.” (Trần Đình Sử)
Tuy nhiên, đặt con người trong vòng tuần hoàn nở - rụng ấy gợi nên nhiều suy nghĩ. Hai câu thơ tiếp diễn tả quy luật của đời người, khác hẳn quy luật của tự nhiên. Thời gian trôi đi, con người thêm tuổi tác. Mái đầu bạc là hiện thân của tuổi già. Giữa con người với hoa có sự đối nghịch: trong khi “trăm hoa tươi” thì con người “trên đầu già tới rồi”. Sự đối nghịch ấy cho thấy sự vô thủy, vô chung của thời gian – “trước mặt việc đi mãi” – cuộc đời khoảnh khắc chỉ là ảo ảnh. Câu thơ nói lên quy luật sinh – lão – bệnh – tử theo quan niệm của đạo Phật.
Giọng điệu của bốn câu thơ đầu vừa ung dung, an nhiên lại vừa như thoáng chút nuối tiếc. An nhiên khi nhìn cuộc đời theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Thoáng chút nuối tiếc khi cảm thấy sự trôi chảy của thời gian. Cảm nhận này không phải bắt nguồn từ cái nhìn hư vô của đạo Phật mà bắt nguồn từ ý thức về sự hiện hữu, sự tồn tại có thực của con người. Ý thức được sự tồn tại ấy, con người không thể nào sống vô nghĩa. Hai câu thơ cuối thể hiện quan niệm triết lí của Phật giáo về sức mạnh lớn lao, vượt lên lẽ hóa sinh thông thường.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Hai câu thơ cuối không phải đơn thuần báo hiệu xuân qua hè tới mà là biểu tượng cho quan niệm lớn lao hơn. Con người giác đạo trở về với bản thể vĩnh hằng, không sinh, không diệt như cành mai tươi bất chấp xuân tàn. Trong quan niệm người xưa, mai là loài hoa chịu được giá rét mùa đông. Giữa tuyết sương giá lạnh, mai vẫn nở hoa, báo hiệu mùa xuân đến. Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp thanh tao, cao khiết vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã, phàm tục.
Qua hình tượng cành mai tươi bất chấp xuân tàn, tác giả mượn thiên nhiên để biểu tượng cho niềm tin về sự sống bất diệt. Hoa mai vượt lên cả sự sống, chết, thịnh, suy. Đó là quy luật của sự bất biến về tư tưởng, tình cảm, ý chí – sự bất biến trong tinh thần. “Cành mai” là biểu tượng nghệ thuật đẹp đẽ, vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, kiên định trước những biến đổi của trời đất, thời cuộc.
“Cáo tật thị chúng” tuy được viết lúc thiền sư đang đau yếu nhưng vẫn toát lên cái nhìn bình thản trước cuộc đời, giọng điệu ung dung, tự tại. Quy luật cuộc đời là sinh – lão – bệnh – tử nhưng bài thơ lại chọn điểm khởi đầu là “xuân tàn” và điểm kết thúc là một cành mai tươi, đó là tinh thần lạc quan. “Lời thơ đến với độc giả như một biểu hiện của sự nhạy cảm đối với sức sống dồi dào luôn khắc phục hoàn cảnh để mà vươn lên, như là biểu hiện của niềm yêu mến cuộc sống trong những khía cạnh mĩ lệ mà tinh vi, tế nhị” (Đinh Gia Khánh).
Nhịp điệu bài thơ có nét đặc biệt : bốn câu đầu là thơ năm chữ, gọn gàng, hai trạng thái xúc cảm cân bằng với số chữ như nhau. Hai câu kết là thơ bảy chữ, vượt lên trên nỗi vui buồn sinh tử mà thanh thản, ung dung về miền cực lạc. Bài thơ viết lúc nhà thơ đang đau yếu nhưng đầy lạc quan, tích cực.
Bài thơ" Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền Sư đã truyền cho chúng ta một nghị lực, niềm tin, tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Dòng đời vẫn luôn chảy trôi và biến đổi không ngừng, đó là một vòng tuần hoàn khép kín bất tận, còn đời người thì hữu hạn nhưng đó cũng là quy luật của cuộc sống. Quan trọng là ta phải sống hết mình và có ý nghĩa, luôn lạc quan. Đó cũng là triết lí sống mà tác giả gửi gắm cho độc giả- sống an nhiên.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 7
Mãn Giác thiền sư (1052 - 1096) tên thật là Lí Trường, sống vào thời vua Lí Nhân Tông. Năm 25 tuổi ông mới xuất gia và trở thành một thiền sư được ngưỡng vọng. Vua Lí thường xuyên hỏi ông về việc nước. Năm 1096, ông cáo bệnh và làm bài thơ này để báo cho mọi người biết. Cũng năm đó, ông qua đời. Bài thơ Cáo tật thị chúng thể hiện những suy ngẫm của nhà sư về cuộc đời.
Bài thơ chia làm hai phần : Phần thứ nhất nói về quy luật sinh tử của tự nhiên, phần thứ hai thể hiện tâm sự lạc quan của tác giả. Bài thơ mang vẻ đẹp trong sáng nhưng chứa đựng chất triết lí sâu sắc của thơ thiền : vừa thể hiện tình yêu, niềm tin vào cuộc sống của con người, vừa là sự ngộ giải chân lí Phật giáo của một vị chân tu trước lúc "nhập diệt".Con người không thể thoát khỏi quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" của tự nhiên.
Phàm đã là con người ai cũng phải trải qua những giai đoạn đó. Nhà sư Mãn Giác đã một lần nữa khẳng định quy luật tự nhiên ấy qua Cáo tật thị chúng. Tinh thần nhập thế của Phật giáo cũng được thể hiện rõ ở bài thơ này. Tâm sự của một nhà sư cũng là tâm trạng chung của tất cả mọi người trước sự xoay vần "đà định sẵn" của tự nhiên.Mượn hình ảnh hoa nở hoa tàn để nói đến quy luật của thiên nhiên, bài thơ kệ được bắt đầu bằng hai câu thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Miêu tả sự tuần hoàn của tự nhiên nhưng bằng một cách nói hơi trái tự nhiên. Thông thường có hoa nở mới có hoa tàn nhưng ở đây nhà thơ lại nói đến hình ảnh hoa tàn trước rồi mới nói chuyện hoa nở. Phải chăng tuổi già (nhà sư viết bài thơ vào năm cuối của cuộc đời) với những dự cảm của người sắp ra đi thường nghĩ đến chuyện mất mát trước. Tác giả của bài thơ là một nhà sư, và theo quan niệm của đạo Phật, cuộc đời là những vòng luân hồi nối tiếp nhau, không có sự kết thúc thật sự.
Điểm kết của vòng đời này là sự bắt đầu của một vòng đời khác. Hình ảnh "hoa" và "xuân" là hai điểm nhấn của câu thơ, vừa nhấn về ngữ điệu, vừa nhấn về hình ảnh. Cách sắp xếp các hình ảnh đối nhau càng làm tăng sự đối lập giữa sự mất đi và sinh ra của muôn hoa và vạn vật.Cách sắp xếp "hoa lạc" trước "hoa khai", có lẽ là để thể hiện tính chất luân hồi. "Tàn" là sự bắt đầu của "nở", vì thế tàn không có nghĩa là chấm hết. Điểm tích cực của tư tưởng luân hồi chính là ở đây, nó thổi vào cuộc sống của con người tinh thần lạc quan.
Tư tưởng Thiền học được thể hiện ở ngay cách sắp xếp hình ảnh thơ này. Sự trôi chảy của thời gian là tự nhiên và rất vô tình, theo dòng thời gian, con người cũng phải thay đổi. Từ quy luật biến đổi của thiên nhiên dẫn đến quy luật biến đổi của đời người:
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Con người cũng như vạn vật, phải thay đổi theo quy luật của tự nhiên. Nhưng khác với vạn vật, con người nắm bắt được quy luật ấy và chủ động trước mọi sự. Song nếu cây cối có sự luân hồi thì con người lại không, dù theo triết lí của đạo Phật, con người cũng có kiếp luân hồi, có kiếp trước, kiếp sau. Hoa tàn, hoa nở là biểu tượng cho sự mất đi và hồi sinh của vạn vật thì mái tóc bạc biểu tượng cho tuổi già. Con người không thể thoát khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử và cũng không có kiếp luân hồi. Vì vậy con người thường nuối tiếc khi thời gian trôi đi:
Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất…
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
(Xuân Diệu, Vội vàng)
Có tâm tư gì đó tương tự như vậy đằng sau hai câu thơ của Mãn Giác thiền sư. Song nỗi buồn man mác đó lập tức qua ngay khi hai câu thơ tiếp theo có sự xuất hiện đột ngột của nhành mai cuối xuân:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Cành mai là điểm sáng, điểm tươi tắn nhất của bức tranh xuân tàn. Nó xuất hiện đột ngột như chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Cành mai ấy là cành mai của hiện thực và cũng là cành mai trong tâm tưởng, trong tinh thần của nhà thơ. Tưởng như mùa xuân đã qua và "hoa lạc tận" nhưng vẫn còn đó "nhất chi mai". Mai, trong quan niệm của người xưa, là một loại trong bộ "Tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai), là biểu tượng cho sự thanh cao.
Không phải là hoa gì khác mà là một cành mai, biểu tượng cho mùa xuân, mùa của trăm hoa khoe sắc, của muôn cây đâm chồi nảy lộc. Rất có thể, sự xuất hiện đầy bất ngờ của một cành mai cuối xuân đã khơi nguồn cảm hứng để nhà thơ viết bài thơ kệ này, nhưng cũng có thể nhà thơ mượn một cành mai trong tưởng tượng để thể hiện tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự bất diệt của cái đẹp, của sự sống.
Theo tình huống nào thì cành mai vẫn là một biểu tượng đẹp cho tinh thần của con người, con người có ý chí kiên cường, vượt lên sự nghiệt ngã của quy luật tự nhiên.Hai câu thơ cuối đối lập với bốn câu đầu cả về hình thức và nội dung. Bốn câu thơ đầu khẳng định quy luật bất biến của cuộc sống - vạn vật có sinh có mất, và không gì cưỡng lại được, nhất là con người. Hai câu cuối lại khẳng định điều ngược lại - vẫn có một cành mai nở vào độ xuân tàn, hiện hữu hoàn toàn trái quy luật. Cành mai xuất hiện bất ngờ như sự khẳng định rằng không có gì là bất biến.
Và con người, với ý chí và nghị lực phi thường của mình, vẫn có thể vượt qua được quy luật. "Lão tòng đầu thượng lai" tưởng đã là điểm kết thúc của một đời người. Nhưng niềm lạc quan, ý chí và cả niềm tin tôn giáo đã giúp nhà sư thấy được "Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". Cáo tật thị chúng là một bài thơ thiền, và vậy tất nhiên có gửi gắm những quan niệm, triết lí Thiền học.
Mãn Giác thiền sư viết bài thơ này khi ông sắp qua đời, vì thế nó thể hiện sự ngộ giải chân lí Phật giáo. Nhà Phật vẫn tin rằng, con người có thể sẽ chiến thắng được quy luật sinh tử của tự nhiên nếu tu thành chính quả, nếu chiến thắng được những dục vọng cá nhân và giác ngộ. Là một bài thơ kệ, là tác phẩm ra đời vào thời kì mà văn học dân tộc chưa có được bề dày thành tựu nghệ thuật, song Cáo tật thị chúng đã thể hiện một tầm kết tinh nghệ thuật đáng tự hào. Bài thơ chỉ có sáu câu nhưng đã truyền tải được một nội dung triết lí sâu sắc.
Giá trị ấy của thi phẩm được làm nên bởi tài năng sử dụng, lựa chọn ngôn từ, hình ảnh và sự sắp xếp kết cấu gợi cảm của nhà thơ. Trước hết đó là nghệ thuật sử dụng và sắp xếp từ ngữ, mỗi từ ngữ đều chứa đựng khả năng biểu hiện ý tứ sâu sắc, "bách hoa lạc" (trăm hoa rụng), "bách hoa khai" (trăm hoa đua nở), chỉ một từ hoa nhưng là biểu tượng cho vạn vật, là biểu tượng cho mùa xuân đến, mùa xuân đi.
Nghệ thuật đối điệp cũng được phát huy cao độ để tạo nên tính hàm súc cho bài thơ. Mỗi cặp câu thơ là một cặp đối lập, nó biểu hiện cho quy luật sinh tử song tồn, cho sự trôi đi rất nhanh và vô tình của thời gian. Bốn câu đầu và hai câu sau là một cặp đối, một bên là quy luật nghiệt ngã tưởng như không gì chống lại nổi của tự nhiên, một bên là sự xuất hiện bất chấp quy luật "hoa lạc tận" của "nhất chi mai". Mùa xuân của thiên nhiên đã trôi qua nhưng mùa xuân và sức sống trong mỗi con người vẫn hiên ngang và cứng cỏi.
Hai câu thơ bảy chữ kết thúc bài thơ tạo nên một thế đứng vững vàng. Đó là thế đứng của con người đã giác ngộ được chân lí của sự sống: quy luật của tự nhiên là quy luật của vạn vật trong trời đất, song với tinh thần lạc quan, ý chí sắt đá, con người có thể vượt lên trên quy luật nghiệt ngã ấy.
Sự phát triển thịnh trị của Phật giáo thời Lí cùng với tư tưởng "nhập thế" tích cực, đã sản sinh cho dân tộc ta những nhà sư tài ba, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và đóng góp cho văn học dân tộc những tác phẩm có giá trị triết lí sâu sắc. Cáo tật thị chúng đã chứng tỏ sự khởi đầu đáng tự hào của văn học dân tộc.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 8
Một Thiền sư nhận định "Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó." Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở .
Việc trước mắt qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Mãn Giác Thiền Sư )
Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn. Quy luật là như thế và nền tảng của sự sống cũng như vậy. Bài thơ không còn dừng lại ở dấu ấn xưa nay của thi ca là ca ngợi miêu tả thuần túy một vẻ đẹp hay một cảm xúc bay bổng, đôi cánh cảm nhận mang màu sắc trí tuệ đã nâng lên những giá trị mang tính muôn thuở, một thế giới quan và hơn thế nữa_nhân sinh quan sống động.Xuân đi trăm hoa rụng.
Một mệnh đề tưởng bình thường, chẳng có gì cao sâu, nhưng mấy ai cảm nhận và chấp nhận được.Ta vẫn đau lòng khi ai đó mất đi, vẫn hụt hẫng vì một sớm chia lìa hay một chiều tang tóc, ta biết sự đến đi là tất nhiên nhưng vẫn mong cho"thời gian dừng lại" hay "tuổi thơ quay về. Ta vô tình tự mâu thuẫn chí ít là với những hiểu biết cơ bản nhất của chính mình. Ở điểm này, câu thơ đã có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc.
Xuân đến trăm hoa nở.Đây chính là sự tất nhiên mang tính vĩnh hằng. Vốn dĩ xưa nay con người chỉ muốn và mãi muốn thụ hưởng và chấp nhận những gì quy luật mang lại, hợp với chí hướng của mình, do đó mà có tâm lý vui khi Xuân về hoa nở, buồn khi Đông đến hoang liêu. Đâu biết rằng Đông chính là nền tảng để một ngày Xuân bừng dậy tinh khôi hào nhoáng.
Không có đêm, làm gì có ngày, không có Đông làm gì có mùa Xuân, hiểu cả về mặt sự đối chiếu làm nổi bật và tính triết lý nền tảng .Những nỗi đau càng chồng chất nỗi đau khi bên cạnh sự khắc khoải của thịt da, ta lại bồi đắp thêm sự xót xa tiếc nuối hay sợ hãi triền miên, thì tất yếu sự khổ đau càng gấp bội và đáng thương cho ai vẫn mong mỏi một điều không thật có là trẻ mãi không già, sống hoài không chết ,...
Vậy nên hoa nở và hoa rụng chẳng qua là một vòng quay, sự tuần hoàn tất yếu mà với cái nhìn biện chứng, tự nó không mâu thuẫn mà là hai mặt hữu cơ và bổ sung nhau .Và từ sự tổng quan rộng lớn, Thiền sư đã đưa về mảng thời sự tính, đó là thân phận con người , điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt:Trước mắt sự qua mãi Trên đầu già đến rồi.Quy luật của trời đất vốn mang tính lạnh lùng và công bằng đến tuyệt đối .Khổng Lão Trang có quan điểm:Thiên trường địa cửu hữu thời tận....Thiên địa bất nhân...Bất nhân ở đây chính là không thiên vị, nhân nhượng bất cứ ai, bất cứ điều gì.Đó là quy luật tự nhiên.
Rồi một ngày có kẻ sĩ kiêm nhà hiền triết đất. Trung nguyên tiễn đưa bạn đời quá cố về miền vĩnh hằng với khúc. Cổ bồn phiêu nhiên vô tư lự! Bóng câu qua cửa sổ, giấc mộng kê vàng, đời người giấc mộng,... là những ý tứ người ta vẫn thường chỉ về sự đổi thay. Nhưng chẳng có gì nhanh, chẳng có gì chậm, mức độ vẫn bấy nhiêu, chẳng qua do con người áp đặt lên chúng bằng một thứ người ta quen gọi là thời gian tâm lý, do tiếc nuôí sự đã qua, do mong mỏi kéo dài những gì tâm đắc :
Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết
Một ván cờ thua ngả bóng chiều
(Vũ Hoàng Chương)
Việc vẫn trôi qua đều đều, người cũng tuần tự già đi . Già bởi đã trải qua thời trai trẻ, và trẻ rồi cũng sẽ già, vết thời gian in đậm trên thân xác mỗi sinh linh, ta không thể chuyển dời, duy tâm ta thì có thể . Ta hiểu được cuộc đời, sống chung với sanh, già, bệnh, chết vô tư như một dòng triển chuyển tất nhiên, ta cứ lạc quan khi tuổi già gõ cửa, có thể làm được quá đi chứ!
Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Con người chỉ nắm bắt hiện tượng đang diễn ra , và rồi cố chấp vào những ảnh hóa đó bằng tâm cứng đọng phi biện chứng .Sự cố chấp này chi phối cả thế giới tư duy và màu sắc cảm nhận của chủ thể .Khi Thiền sư nói "đừng bảo..."cũng có nghĩa, Ngài chỉ ra sự phiến diện của tư duy què quặt cố hữu của con người. Đó là những rối rắm nội tại phát sinh từ sự thiếu chân xác trong kiến quan hạn hẹp để rồi bao hệ lụy cũng từ đó phát sinh theo mô thức phản ứng dây chuyền trong thế giới hạt nhân phóng xạ .
Có thể nói câu thơ như một hình thức KHAI ( mở), mang lại cái nhìn mới chân xác và thiết thực hơn cho các đối tượng.Đêm qua sân trước một nhành mai. Hãy thoát ly sự cố chấp đi, anh sẽ nhìn rõ hơn sự mầu nhiệm của cuộc sống. Cành mai hôm nào, nay đã không còn và anh sẽ bảo chẳng có mai. Thiền sư không nói về cành mai cụ thể trong một thời điểm cụ thể đó, Ngài đang nói về cành mai BẤT DIỆT, cành mai bản thể (bản chất, nền tảng ).
Đây có thể gọi là phần THỊ( chỉ rõ)so với phần KHAI ở trên.Về phương diện biện chứng học, chẳng có gì biến mất, chẳng có gì tự nhiên xuất hiện, chỉ có sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Tôi tuy không phải là cha tôi nhưng cha tôi vẫn hiện hữu trong tôi mặc dầu ông ấy đã mất từ lâu, dị mà đồng, đồng mà dị. Biết rõ sự đổi thay là hiện tượng ,sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng ta.
Sống chung với quy luật của trời đất là biết chấp nhận nó, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được .Một Thiền sư nhận định" Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó "Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ.
Một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian và vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, hai tiêu chuẩn để xác định sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng. Sự an nhiên tự tại trước cái chết (thị tịch)của Thiền Sư biểu hiện cao độ, thay vì Ngài là nhân tố đáng thương hại, lại chính là nhân tố chủ động trấn an những đệ tử, những người vẫn đang khỏe mạnh trẻ trung.
Đối diện sự ra đi, Ngài vẫn dõng dạc trong những Pháp kệ được Đường thi hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật văn học, lại hàm dung triết lý sâu xa. Cả một đời phụng sự Đạo Pháp, trải bao bài thuyết pháp độ sinh, nay, ngay cả trong giờ khắc còn lại ít ỏi trên cõi đời và đang đối diện cái mà con người kinh khiếp nhất (cai chết ),Thiền Sư vẫn tự tại biến đó thành bài Pháp cuối cùng của đời mình và đã trở thành bài thơ bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay .
Xin cảm ơn Thiền Sư đã để lại cho chúng ta một hình ảnh phi phàm về khí phách LÝ- TRẦN đã một thời oanh liệt của cha ông .
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 9
Ngược dòng thời gian, lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc vào thời đại Lý Trần, một thời đại vàng son của tổ quốc, cũng là giai đoạn hưng thịnh nhất của đạo Phật.
Vào thời đại Lý Trần, Phật giáo được xem như là quốc giáo, từ vua quan đến dân chúng đều tu học theo giáo pháp của chư Phật, có được nhiều vị thiền sư chứng ngộ uyên thâm giữ gìn và truyền thừa giáo pháp của chư Phật. Thông thường, trước khi lìa bỏ xác thân, xa rời cõi đời huyễn mộng, chư vị thiền sư đều để lại cho đời một bài thi kệ, đấy là lời sách tấn cuối cùng, lời di huấn cuối cùng của quý Ngài đối với chúng đệ tử và cũng là thể hiện sự chứng đạt chân lý của tự thân.
Lời kệ nào cũng cao thâm, vi diệu, câu kệ nào cũng chuyển tải chân lý cuộc đời. Nhưng không hiểu tại sao, đã gấp sách lại rồi mà hình ảnh “đêm qua sân trước một cành mai” trong bài “Cáo tật thị chúng” của Ngài Mãn Giác cứ hiện ra trong tâm trí con khiến con ưu tư mãi. Nay con xin Ngài cho con được mạo muội tỏ bày suy nghĩ của một kẻ “mông học” về bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Ngài.
Vừa đọc qua câu kệ:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai”.
(Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười).
Người đọc đã bắt gặp nơi đây một sự khác thường. Bởi chúng ta thường nhắc đến sự tươi đẹp, huy hoàng trước khi nhắc đến sự tan tác, chia lìa. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì ai cũng ưa thích, ham muốn cái đẹp, trân quí sự hoàn mỹ chứ không ai muốn nhắc đến sự rủi ro, sự không hoàn thiện,… Ở đây, Ngài Mãn Giác đã đảo lộn qui luật đó. Ngài đã nói đến sự “lạc” (rụng) trước khi nhắc đến sự “khai” (nở).
Hai câu kệ đã diễn tả một sự thật của tự nhiên: Xuân qua thì muôn hoa tan tác, rụng rời; xuân đến thì muôn hoa khoe sắc nở thắm. Sự thật này đã trở thành một quy luật chung của vũ trụ và đi vào trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi người. Ngài Mãn Giác đã diễn tả một cách trái ngược như thế phải chăng Ngài muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: Nếu đã có xuân đến thì phải có xuân qua, đấy là qui luật vận hành của vũ trụ.
Con người phải sống làm sao để có thể giữ được lòng mình bình thản trước sự thịnh suy của cuộc đời khi chúng đến với mình. Trở lại với hiện thực của cuộc sống, Ngài nhận thấy:
“Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai”.
(Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi).
Sự đời cứ thế trôi qua trước mắt người, ngày lại qua đêm, đêm lại nối ngày. Biết bao nhiêu cuộc đổi thay, bao nhiêu lần bãi bể hoá thành nương dâu. Đa số mọi người đều bị cuốn vào dòng chảy của cuộc đời, mãi chạy theo sự xoay vần của ngoại cảnh, bị ngoại cảnh chi phối. Chúng làm hoa cả mắt, loạn cả tâm, đến nỗi quên mất chính mình. Trong cuộc đời có mấy ai làm chủ được bản thân, nhìn vào sự biến chuyển đang diễn ra trên tấm thân của mình trong từng phút, từng giây.
Cho nên Ngài đã đánh thức: “Lão tùng đầu thượng lai”– Trên đầu già đền rồi. Hãy nhìn lại trên đầu của mình, tóc đã điểm bạc, tuổi già đã đến rồi đó, phải chấm dứt ngay những cuộc rong ruổi theo cảnh phù du bên ngoài, trở về lo cho tự thân của mình, nuôi dưỡng thân tâm của mình bằng chất liệu từ bi và công phu tu tập thiền định, rèn luyện cho mình một nếp sống đạo đức, thấm đượm tình người.
Không nên đợi đến tuổi già mới học đạo, mới tu dưỡng tâm tánh, bởi lúc về già thì thân thể suy nhược, tinh thần sút kém, trí óc không còn như lúc mạnh khoẻ trước đây nữa. Và “không thể có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể suy nhược”. Lúc về già, dù có cố gắng đến bao nhiêu thì cũng khó lòng đạt được mục đích, vì đến lúc đó thì “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, cổ đức cũng đã từng dạy rằng:
“Mạc đãi lão lai phương học đạo
Cô phần đa thị thiếu niên thân”.
(Chớ đợi tuổi già mới học đạo
Mồ hoang lắm kẻ tuổi thanh xuân).
Thế nên, với tâm từ bi vô lượng, Ngài Mãn Giác đã hiến dâng trọn đời mình cho hạnh phúc, an lạc của chúng sanh. Ngay những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Ngài vẫn tha thiết khuyên bảo, khích lệ mọi người dũng mãnh, tinh tiến trên con đường tìm về bến giác, trở về quê hương tươi đẹp ngàn đời. Bốn câu đầu của bài kệ, Ngài diễn tả theo phương diện tục đế, Ngài vận dụng ngôn ngữ và ý niệm của đời thường nên tương đối dễ hiểu, dễ cảm thụ và ai cũng có thể chấp nhận được, nhưng đến câu:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai).
Thì rất nhiều người cảm thấy sửng sốt, bỡ ngỡ. Sửng sốt và bỡ ngỡ cũng phải, tại vì họ đang tiếp cận với một quan điểm rất khác thường: Mùa xuân đã qua mà vẫn còn hoa mai nở. Với sự nhận thức bình thường thì không thể nào chấp nhận và không thể nào hiểu được thâm ý của hai câu kệ trên. Nhưng với những người hiểu đạo, biết chút ít về đạo Phật, về ngôn ngữ nhà thiền thì khi đọc qua hai câu kệ trên, họ cảm nhận được phần nào ý nghĩa của nó.
Ở đây, Thiền sư đã dùng ngôn ngữ để chuyển tải một vấn đề vượt ra ngoài phạm trù ngôn ngữ và ý niệm, đấy là trạng thái, là cảnh giới của những người đã giác ngộ, đã nếm được hương vị giải thoát và đang sống trong sự tràn ngập niềm hạnh phúc vô biên, là sự vĩnh hằng bất diệt, vượt ra ngoài ý niệm về thời gian và không gian. Ngài Mãn Giác đang sống trong trạng thái ấy nên đối với Ngài, lúc nào cũng cảm thấy “mùa xuân” đang hiện hữu, lúc nào cũng thấy “nhất chi mai” ở trước sân.
Cành mai trong văn cảnh này không còn là cành mai “bằng xương bằng thịt” nữa mà đã là cành mai tinh thần. Đây là trạng thái chung của những người đã chứng ngộ, là một sự thật, nhưng chỉ những ai đã vào được cảnh giới đó mới cảm nhận một cách tinh tường về sự thật vi diệu này. Hai câu kệ ấy còn cho mọi người nhận ra được trong muôn vạn sự đổi thay, dịch chuyển của vạn hữu còn có cái không bị chi phối bởi qui luật thành – trụ – hoại – không, trong sự vô thường vẫn có cái thường hằng, bất biến, đấy là “bản lai diện mục” trong mỗi chúng sanh.
Qua hai câu kệ cuối cùng trong bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng”, thiền sư Mãn Giác còn khuyên bảo chúng đệ tử và tất cả mọi người rằng: Đừng lo sợ trước cảnh “hoa tàn lá rụng”, chỉ sợ là tự thân mỗi người chưa đủ sức tỉnh giác để kiểm soát thân, tâm của mình mà thôi. Hãy sống làm sao để mọi cử chỉ, hành động, lời nói của mình đều có thể đem lại hạnh phúc, an vui cho người khác, sống làm sao để mỗi bước đi là một bước tiến gần đến bến bờ giải thoát. Hãy tinh tấn lên, mọi người đều sẽ có ngày sống với mùa xuân trường cửu của cõi lòng.
Điểm lại toàn bộ lời thi kệ, chúng ta thấy rằng, đây là sự đúc kết những tinh hoa của đạo giải thoát, là quá trình thực tu thực chứng của thiền sư Mãn Giác. Tuy Ngài chưa đạt được sự giác ngộ viên mãn như chư Phật, nhưng Ngài đã bước những bước chân thần kỳ, đã đạt được trạng thái tâm linh ít người đạt được. Bài kệ của Ngài khiến cho nhiều người phải ưu tư, muốn giải tỏa nỗi ưu tư này thì không còn con đường nào khác hơn là sự thể nghiệm của tự thân.
Vì thế mà bài kệ của Ngài trở thành ngọn đuốc soi đường cho mọi người trở về với nếp sống chân thiện mỹ, trở về với chân lý của lẽ sống ngàn đời. Bài kệ còn thúc đẩy mọi người đi tìm hạnh phúc chân thường cho cuộc sống. Có thể khẳng định rằng, thiền sư Mãn Giác, cũng như bài thi kệ của Ngài sẽ sống mãi, tồn tại mãi trong lòng những con người yêu chân lý và đi tìm chân lý.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Bài văn phân tích tác phẩm "Cáo bệnh, bảo mọi người" số 10
Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn. Quy luật là như thế và nền tảng của sự sống cũng như vậy. Bài thơ không còn dừng lại ở dấu ấn xưa nay của thi ca là ca ngợi miêu tả thuần túy một vẻ đẹp hay một cảm xúc bay bổng, đôi cánh cảm nhận mang màu sắc trí tuệ đã nâng lên những giá trị mang tính muôn thuở, một thế giới quan và hơn thế nữa nhân sinh quan sống động.
Xuân đi trăm hoa rụng. Một mệnh đề tưởng bình thường, chẳng có gì cao sâu, nhưng mấy ai cảm nhận và chấp nhận được.Ta vẫn đau lòng khi ai đó mất đi, vẫn hụt hẫng vì một sớm chia lìa hay một chiều tang tóc, ta biết sự đến đi là tất nhiên nhưng vẫn mong cho"thời gian dừng lại" hay "tuổi thơ quay về. Ta vô tình tự mâu thuẫn chí ít là với những hiểu biết cơ bản nhất của chính mình. Ở điểm này, câu thơ đã có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc.
Xuân đến trăm hoa nở. Đây chính là sự tất nhiên mang tính vĩnh hằng. Vốn dĩ xưa nay con người chỉ muốn và mãi muốn thụ hưởng và chấp nhận những gì quy luật mang lại, hợp với chí hướng của mình, do đó mà có tâm lý vui khi xuân về hoa nở, buồn khi đông đến hoang liêu. Đâu biết rằng đông chính là nền tảng để một ngày xuân bừng dậy tinh khôi hào nhoáng. Không có đêm, làm gì có ngày, không có đông làm gì có mùa xuân, hiểu cả về mặt sự đối chiếu làm nổi bật và tính triết lý nền tảng.
Những nỗi đau càng chồng chất nỗi đau khi bên cạnh sự khắc khoải của thịt da, ta lại bồi đắp thêm sự xót xa tiếc nuối hay sợ hãi triền miên, thì tất yếu sự khổ đau càng gấp bội và đáng thương cho ai vẫn mong mỏi một điều không thật đó là trẻ mãi không già, sống hoài không chết,...
Vậy nên hoa nở và hoa rụng chẳng qua là một vòng quay, sự tuần hoàn tất yếu mà với cái nhìn biện chứng, tự nó không mâu thuẫn mà là hai mặt hữu cơ và bổ sung nhau. Và từ sự tổng quan rộng lớn, Thiền sư đã đưa về mảng thời sự tính, đó là thân phận con người, điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt:
Trước mắt sự qua mãi
Trên đầu già đến rồi.
Quy luật của trời đất vốn mang tính lạnh lùng và công bằng đến tuyệt đối. Khổng Lão Trang có quan điểm:
Thiên trường địa cửu hữu thời tận....
Thiên địa bất nhân...
Bất nhân ở đây chính là không thiên vị, nhân nhượng bất cứ ai, bất cứ điều gì. Đó là quy luật tự nhiên. Rồi một ngày có kẻ sĩ kiêm nhà hiền triết đất Trung Nguyên tiễn đưa bạn đời quá cố về miền vĩnh hằng với khúc Cổ bồn phiêu nhiên vô tư lự!
Bóng câu qua cửa sổ, giấc mộng kê vàng, đời người giấc mộng,... là những ý tứ người ta vẫn thường chỉ về sự đổi thay. Nhưng chẳng có gì nhanh, chẳng có gì chậm, mức độ vẫn bấy nhiêu, chẳng qua do con người áp đặt lên chúng bằng một thứ người ta quen gọi là thời gian tâm lý, do tiếc nuối sự đã qua, do mong mỏi kéo dài những gì tâm đắc:
Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết
Một ván cờ thua ngả bóng chiều
(Vũ Hoàng Chương)
Việc vẫn trôi qua đều đều, người cũng tuần tự già đi. Già bởi đã trải qua thời trai trẻ, và trẻ rồi cũng sẽ già, vết thời gian in đậm trên thân xác mỗi sinh linh, ta không thể chuyển dời, duy tâm ta thì có thể. Ta hiểu được cuộc đời, sống chung với sanh, già, bệnh, chết vô tư như một dòng triển chuyển tất nhiên, ta cứ lạc quan khi tuổi già gõ cửa, có thể làm được quá đi chứ!
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Con người chỉ nắm bắt hiện tượng đang diễn ra, và rồi cố chấp vào những ảnh hóa đó bằng tâm cứng đọng phi biện chứng. Sự cố chấp này chi phối cả thế giới tư duy và màu sắc cảm nhận của chủ thể. Khi Thiền sư nói "đừng bảo..." cũng có nghĩa, Ngài chỉ ra sự phiến diện của tư duy què quặt cố hữu của con người. Đó là những rối rắm nội tại phát sinh từ sự thiếu chân xác trong kiến quan hạn hẹp để rồi bao hệ lụy cũng từ đó phát sinh theo mô thức phản ứng dây chuyền trong thế giới hạt nhân phóng xạ.
Có thể nói câu thơ như một hình thức KHAI (mở), mang lại cái nhìn mới chân xác và thiết thực hơn cho các đối tượng. Đêm qua sân trước một nhành mai. Hãy thoát ly sự cố chấp đi, anh sẽ nhìn rõ hơn sự màu nhiệm của cuộc sống. Cành mai hôm nào, nay đã không còn và anh sẽ bảo chẳng có mai. Thiền sư không nói về cành mai cụ thể trong một thời điểm cụ thể đó, Ngài đang nói về cành mai "bất diệt", cành mai bản thể (bản chất, nền tảng). Đây có thể gọi là phần "thị" (chỉ rõ) so với phần "khai" ở trên.
Về phương diện biện chứng học, chẳng có gì biến mất, chẳng có gì tự nhiên xuất hiện, chỉ có sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Tôi tuy không phải là cha tôi nhưng cha tôi vẫn hiện hữu trong tôi mặc dầu ông ấy đã mất từ lâu, dị mà đồng, đồng mà dị. Biết rõ sự đổi thay là hiện tượng, sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng ta. Sống chung với quy luật của trời đất là biết chấp nhận nó, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được .
Một Thiền sư nhận định "Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó". Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ. Một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian và vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, hai tiêu chuẩn để xác định sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng.
Sự an nhiên tự tại trước cái chết (thị tịch) của Thiền sư biểu hiện cao độ, thay vì Ngài là nhân tố đáng thương hại, lại chính là nhân tố chủ động trấn an những đệ tử, những người vẫn đang khỏe mạnh trẻ trung. Đối diện sự ra đi, Ngài vẫn dõng dạc trong những Pháp kệ được Đường thi hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật văn học, lại hàm dung triết lý sâu xa.
Cả một đời phụng sự Đạo Pháp, trải bao bài thuyết pháp độ sinh, nay, ngay cả trong giờ khắc còn lại ít ỏi trên cõi đời và đang đối diện cái mà con người kinh khiếp nhất (cái chết), Thiền Sư vẫn tự tại biến đó thành bài Pháp cuối cùng của đời mình và đã trở thành bài thơ bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)