Yopovn

Ban quản trị Team YOPO
Thành viên BQT
Tham gia
28/1/21
Bài viết
86,058
Điểm
113
tác giả
CHUYÊN ĐỀ GDCD NĂM 2021 - 2022 MỚI NHẤT: GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH QUA BÀI GIẢNG GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 8

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ:

GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH
QUA BÀI GIẢNG GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 8
A. Đặt vấn đề:
I. Cơ sở lí luận:

Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là một nội dung quan trọng nhằm cung cấp cho học những kiến thức cơ bản để thích ứng với cuộc sống. Giáo dục kĩ năng sống giúp học sinh rèn luyện hành vi có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng, đối phó với những sức ép của cuộc sống, phòng ngừa những hành vi có hại cho thể chất và tinh thần của các em.
Giáo dục kĩ năng sống trong môn Giáo dục công dân ở trường THCS nhằm giúp học sinh:
+ Hiểu được sự cần thiết của các kĩ năng sống giúp cho bản thân có thể sống tự tin, lành mạnh, phòng tránh được các nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần.
+ Có kĩ năng làm chủ bản thân, biết xử trí linh hoạt trong các tình huống giao tiếp hằng ngày; có kĩ năng tự bảo vệ mình; rèn luyện lối sống có trách nhiệm với bản thân, bè bạn, gia đình và cộng đồng.
+ Có nhu cầu rèn luyện kĩ năng sống trong cuộc sống hằng ngày; ưa thích lối sống lành mạnh, có thái độ phê phán đối với những biểu hiện thiếu lành mạnh; tích cực, tự tin tham gia các hoạt động, có quyết định đúng đắn trong cuộc sống.
II. Cơ sở thực tiễn:
Việc giáo dục, rèn luyện kĩ năng sống là một phạm trù rộng, tất cả các bộ môn, các tổ chức đoàn thể: Đoàn, Đội….tất cả giáo viên và học sinh đều phải bắt tay vào thực hiện. Trong đó môn Giáo dục công dân là môn học có nhiều khả năng để thực hiện nội dung này nhất.
Trong những năm gần đây, việc giáo dục học sinh trong nhà trường đã không bó hẹp ở việc giảng dạy , cung cấp tri thức văn hóa mà yêu cầu cần phải cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết về kĩ năng trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt từ năm học 2013- 2014, Dự án Trung học cơ sở vùng khó của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên về cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng sống ở trường trung học cơ sở.
Tuy nhiên khi triển khai và tổ chức thực hiện giáo dục kĩ năng sống nói chung và đối với môn Giáo dục công dân nói riêng nhiều giáo viên còn lúng túng khi lựa chọn kĩ năng phù hợp, việc giáo dục kĩ năng sống chủ yếu tích hợp qua các môn học chứ chưa tổ chức giáo dục kĩ năng sống theo từng nội dung cụ thể.
Từ những vấn đề nêu trên, tôi đã lựa chọn chuyên đề “Giáo dục Kĩ năng sống cho học sinh qua bài giảng Giáo dục công dân lớp 8”
B. Giải quyết vấn đề:
I. Thực trạng:
1. Thuận lợi:

- Đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, có trình độ chuyên môn cao.
- Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn chỉ đạo thường xuyên công tác hoạt động chuyên môn.
- Học sinh nhìn chung ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô giáo, đoàn kết.
2. Khó khăn:
- Tài liệu phục vụ giảng dạy và giáo dục kĩ năng sống còn thiếu, chỉ mang tính định hướng nên giáo viên phải tự nghiên cứu, tìm tòi các thông tin, tài liệu khác để bổ trợ cho việc dạy - học.
- Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm.
- Cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư và cải tiến nhiều song nó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của việc sử dụng một số phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như thiếu không gian rộng để chia nhóm, di chuyển học sinh trong lớp học khi sử dụng phương pháp phòng tranh, bản đồ tư duy hay kĩ thuật khăn phủ bàn….
- Một số học sinh ncòn rụt rè, nhút nhát trong việc học tập theo phương pháp và kỹ thuật dạy học mới.
- Vẫn còn tâm lí xem nhẹ môn giáo dục công dân.
II. Quá trình thực hiện:
1. Chuẩn bị của giáo viên và học sinh:
a. Đối với giáo viên:

- Nghiên cứu nội dung bài học, lựa chọn kĩ năng sống cần giáo dục.
- Hướng dẫn chu đáo, giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh về nội dung, phương tiện cho từng bài học…
- Chuẩn bị các phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của từng bài. Cụ thể như: Tranh ảnh, chuyện kể, liên hệ thực tế với bản thân học sinh…
b. Đối với học sinh:
- Học sinh tìm hiểu thông tin liên quan đến nội dung bài học, sưu tầm tư liệu, tranh ảnh (nếu có), tìm hiểu trước nội dung bài học để tạo sự chủ động trong việc tìm kiếm, xử lí và tiếp nhận thông tin, kiến thức cho các em trong mỗi bài học;
- Học sinh luôn có tâm lí sẵn sàng, tự tin khi tham gia hoạt động nhóm, giải quyết tình huống hay tham gia vào các trò chơi đó là cách thức, là cơ hội để các em rèn luyện cho mình những kĩ năng cần thiết.
2. Các bước tiến hành bài dạy:
a. Bước 1:
Xác định mục tiêu bài học thông qua chuẩn kiến thức kĩ năng.
Ví dụ: Xác định mục tiêu cần đạt qua bài “ Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy nổ và các chất độc hại. (GDCD 8)
  1. Về kiến thức:
- Những quy định thông thường của PL về phòng ngừa tai nạn vũ khí cháy, nổ và các chất độc hại .
- Phân tích được t/c nguy hiểm của các vũ khí trên .
- Hiểu biện pháp phòng ngừa tai nạn trên .
- Hiểu được trách nhiệm của bản thân .
2. Về kĩ năng:
- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của PL.
-Giúp học sinh biết được cách phòng ngừa tai nạn vũ khí cháy, nổ và các chất độc hại .
- Có lối sống lành mạnh.
  1. Về thái độ:
- Có thái độ đề phòng và tích cực nhắc nhở mọi người đề phòng tai nạn vũ khí ,cháy nổ và các chất độc hại .

b. Bước 2: Xác định kĩ năng sống cần giáo dục cho học sinh thông qua nội dung bài học. Lưu ý: Chúng ta chỉ nên chọn những kĩ năng thực sự cần thiết, cấp thiết phù hợp với nội dung bài học, phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Ví dụ: Qua bài học “Phòng ngừa tai nạn vũ khí cháy, nổ và các chất độc hại” . giáo viên đã xác định được các kĩ năng sống cơ bản cần được giáo dục và các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực có thể sử dụng đó là: Kĩ năng phòng ngừa tai nạn vũ khí cháy, nổ và ngộ độc thực phẩm .
c. Bước 3: Tiến hành thiết kế giáo án.
Ở bước này giáo viên xác định nội dung bài học cần truyền tải cho học sinh và lựa chọn các phương pháp, kĩ thuật dạy học sao cho phù hợp với yêu cầu của bài.
d. Bước 4: Chuẩn bị đồ dùng, phương tiện dạy học đã được xác định trong phần chuẩn bị của giáo viên và học sinh.
3. Một số vấn đề khi giáo dục KNS cho học sinh THCS qua bài học đạo đức ở môn GDCD:
* Việc lựa chon và lồng ghép giáo dục kĩ năng sống phải tùy thuộc vào từng nội dung bài học cụ thể và tình hình học sinh ở từng địa phương khác nhau.
Khi dạy các phạm trù về đạo đức như Lễ độ, tiết kiệm, tôn sư trọng đạo, biết ơn….chúng ta có thể hình thành và rèn luyện cho các em những kĩ năng sống như kỹ năng phê phán, thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng đánh giá, kỹ năng hợp tác , kỹ năng tự nhận thức….
Khi dạy các bài về chủ đề pháp luật thì chúng ta có thể giáo dục cho các em các kỹ năng: phân tích so sánh, tư duy sáng tạo, tìm kiểm và xử lý thông tin, kỹ năng kiên định, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng ứng phó…..
4. Kết quả:
Việc chú trọng rèn luyện KNS cho học sinh vào nội dung các môn học trong đó có môn GDCD đã đem lại một số kết quả như sau:
- Khả năng giao tiếp và trình bày trước tập thể của học sinh đã được tăng lên. Các em học sinh khá giỏi, thường tham gia các hoạt động tập thể thì đã đi vào độ chuyên nghiệp hơn, dám nhận một số công việc trong các hoạt động lớn của liên đội như dẫn chương trình, hùng biện, trình bày các vấn đề trước tập thể; đối với các học sinh còn hạn chế về nhận thức thì nay các em cũng đã mạnh dạn hơn, dám đưa tay phát biểu và trình bày ý kiến của mình trước lớp…
- Tỷ lệ học sinh vi phạm về đạo đức đã giảm khá rõ nét, không còn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật ở địa phương, việc chấp hành nội quy của học sinh cũng nghiêm túc hơn…
- Học sinh hứng thú, say mê với bộ môn thích khám phá bày tỏ ý kiến của mình với từng tình huống dược đặt ra trong từng tiết học, nhờ vậy mà chất lượng bộ môn cũng tăng lên.
- Học sinh có lối sống lành mạnh, không sa vào các tệ nạn xã hội.
C. Kết luận:
Dạy học gắn với việc giáo dục KNS cho học sinh là một việc làm cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng. Nó trang bị cho các em những kỹ năng khi nghiên cứu bài mới, vận dụng bài học vào thực tiễn, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, chủ động trong học tập để kết quả ngày càng cao hơn. Hơn nữa việc rèn luyện KNS cho học sinh được xác định là một nội dung cơ bản trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong nhà trường phổ thông. KNS thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội. Giáo dục KNS là yêu cầu cấp thiết đối với thế hệ trẻ và là xu thế chung của các nước trên thế giới. Vì vậy, việc định hướng giáo dục KNS cho học sinh trong nhà trường nói chung và qua môn học nói riêng cần được xác định rõ về mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và phương pháp, kĩ thuật giáo dục KNS.
Để làm tốt việc giáo dục KNS cho học sinh qua bài học môn GDCD, giáo viên cần không ngừng tự học, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các kĩ thuật dạy học trong điều kiện cụ thể để nâng cao hiệu quả giảng dạy, giáo dục KNS cho học sinh. Giáo viên cần tìm hiểu, xác định đối tượng học sinh của mình để có những phương pháp giáo dục KNS phù hợp và hình thành những KNS cần thiết cho các em. Ngoài ra, giáo viên nên định hướng cho các em một số hoạt động chuẩn bị cho bài học mới sau khi học xong bài để cho các em chủ động tự tin khi học bài mới và tham gia các hoạt động.
Việc rèn luyện và giáo dục KNS cho học sinh là một vấn đề rất phức tạp, có quy mô lớn. Nó được thể hiện thông qua các tình huống cụ thể trong thực tế cuộc sống, gắn liền với 4 trụ cột của giáo dục:
+ Học để biết gồm các kỹ năng tư duy như tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hiệu quả…
+ Học làm người: gồm các kỹ năng cá nhân như ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin…
Học để sống với người khác gồm các kỹ năng xã hội như giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông…
Học để làm: gồm các kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ như kỹ năng đặt ra mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm…
Từ đấy có thể thấy rằng KNS bao gồm một loạt các kỹ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của con người. Bản chất của KNS là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả…Nói cách khác, KNS là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và xã hội, khả năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống. KNS được hình thành thông qua quá trình sống, rèn luyện, học tập trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Chính vì thế, KNS vừa có tính cá nhân, vừa có tính xã hội, chịu ảnh hưởng của gia đình, cộng đồng và dân tộc.
Trên đây nội dung chuyên đề: “Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh qua bài giảng Giáo dục công dân” nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học và đáp ứng mục tiêu dạy học chú trọng rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Quá trình viết báo cáo và thực hiện tiết dạy minh họa chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý từ quý cấp quản lí, các thầy cô giáo để chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm và đi đến thống nhất trong quá trình giảng dạy.

Thủ Sỹ, ngày 20 tháng 01 năm 2019

GV thực hiện



Trần Thị Thanh.
 
CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN
CHỦ ĐỀ MỚI NHẤT
Nếu bạn cảm thấy nội dung chủ đề bổ ích , Hãy LIKE hoặc bình luận để chủ đề được sôi nổi hơn

THẦY CÔ CẦN TRỢ GIÚP, VUI LÒNG LIÊN HỆ!

TƯ VẤN NHANH
ZALO:0979702422

BÀI VIẾT MỚI

Top