• Khởi tạo chủ đề yopoviet
  • Ngày gửi
  • Replies 0
  • Views 1K
Y

yopoviet

tác giả
Ad lang thang thấy. Để chúng ta hiểu rõ về Hòa âm. Nhiều người nghĩ hòa âm đơn giản.

HÒA ÂM LÀ GÌ ? Tác giả: Nhạc sĩ Tiến Linh

Hòa âm, theo nghĩa chung của tiếng Việt là âm thanh hòa hợp; nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến ý nghĩa hòa âm trong phạm vi âm nhạc.

Trong âm nhạc, có thể nói nôm na hòa âm nghĩa là một công việc tô son điểm phấn trên một nhạc đề nào đó hay một ca khúc nào đó, tô son điểm phấn bằng cách thêm vào những dấu nhạc dành cho những bè hát hoặc những tiếng đàn địch kèn sáo trống phách các loại... sao cho hòa hợp với nhạc đề đó hay ca khúc đó. Tiếng Anh là Harmony (Pháp: Harmonie, Ý: Armonia) dùng để gọi tên cho việc làm này.
FB_IMG_1612279025613.jpg FB_IMG_1612279025613.jpg FB_IMG_1612279022584.jpg FB_IMG_1612279018544.jpg FB_IMG_1612279015420.jpg FB_IMG_1612279018544.jpg FB_IMG_1612279015420.jpg
FB_IMG_1612279025613.jpg
FB_IMG_1612279018544.jpg
FB_IMG_1612279015420.jpg
FB_IMG_1612279011531.jpg

Tôi không có tham vọng để nói về lịch sử của bộ môn hòa âm, nhưng chỉ xin được góp vài dòng suy nghĩ để giúp cho người đọc hiểu hơn về giá trị thật của môn học này, môn học mà tôi đã phải trải qua rất nhiều thời gian và công sức mới có thể lãnh hội được. Cũng nhiều năm rồi, khi thấy mình hiểu được nó, lúc đó tôi mới nhận ra được rằng nó chính là con đường duy nhất dẫn ta vào âm nhạc; và tôi có thể quả quyết rằng cho dù bạn có là một nhạc sĩ hay đàn sĩ nổi tiếng trên thế giới này, nếu ngày nào bạn chưa được học hòa âm, chưa hiểu thấu về hòa âm thì thực sự bạn vẫn là người ngoại đạo với âm nhạc. Nhưng hòa âm là một môn học không dễ chút nào, là một con đường nghệ thuật không được trải đầy hoa như nhiều người nghĩ.

Trước hết, xin nói về sự biến hóa phong phú của hòa âm. Với một dấu nhạc là dấu LA chẳng hạn, nếu ta dùng những hợp âm được xây dựng bởi 3 dấu nhạc thì ta có thể thành lập được 12 hợp âm gồm có: Rê trưởng, Rê thứ, Rê thăng giảm, Rê giáng tăng, Pha trưởng, Pha tăng, Pha thăng thứ, Pha thăng giảm, La trưởng, La thứ, La tăng, La giảm, có nghĩa là những hợp này có chứa dấu LA, nhưng nếu dùng thêm những hợp âm được xây dựng bởi 4 dấu rồi 5 dấu nhạc, thì chúng ta có thể có đến ba bốn chục hợp âm nữa. Có nghĩa là để hòa âm cho một dấu nhạc, ta có thể có đến ba bốn chục hợp âm dùng để hòa âm, ba bốn chục tình trạng để tô son điểm phấn cho một dấu nhạc. Đó là chúng ta mới chỉ nói đến việc viết bè hòa âm, việc trang điểm cho một dấu nhạc, còn trong một nhạc đề hay một ca khúc nào đó thì có biết bao nhiêu là dấu nhạc!
FB_IMG_1612279022584.jpg

Nếu chúng ta viết thêm bè hòa âm vào một ca khúc nào đó, mà những bè hòa âm này dành cho giọng hát thì ta gọi là hòa âm cho hợp xướng, nhưng nếu những bè hòa âm được viết thêm vào mà để cho một hoặc nhiều thứ nhạc cụ chơi thì ta gọi là viết hòa âm cho bản đệm đàn, hoặc viết bè hòa âm cho nhiều thứ đàn địch kèn trống thì ta gọi là phối khí. Vậy bản phối khí cũng chẳng qua là bản đệm đàn mà tiếng Anh gọi chung là accopaniment, tiếng Pháp kêu là accompagnement hay người Ý gọi là accompagnare, nghĩa của nó là tháp tùng hay hộ tống, chức năng của nó như là trải thảm, dòng ca của ca khúc như những con ong con bướm bay lượn trên nó; Nhưng người Đức thì gọi bản đệm đàn là bekleidung, nghĩa là mặc áo, tôi thích từ này hơn vì trong chuyên môn, không những nó có đủ các vai trò như nói ở chữ accompagnare mà nó còn mang ý nghĩa của sự tinh tế; bởi lẽ chiếc áo thường chỉ mặc vừa cho người này mà khó vừa cho người khác, hơn nữa chiếc áo mà được thêu dệt công phu bằng kỹ thuật tinh vi khéo léo thì khi mặc vào sẽ càng đẹp hơn và lộng lẫy hơn, quý vị sẽ hiểu rõ điều này nếu có thì giờ để xem và nghe những tác phẩm của các bậc thày như Verdi, J.S.Bach, Mozart … Khi đó chúng ta sẽ có thêm một nhận thức khác rằng, bản đệm đàn là thành phần không thể thiếu trong một tác phẩm. Cũng cần nói cho đủ rằng khi chúng ta viết thêm bè mà ta gọi là viết hòa âm, thì trong đó nếu ta có sử dụng các kỹ thuật của bộ môn hòa âm (armonia) hay đối âm (contrario puncto) hay tẩu pháp (fuga) thì cũng đều gọi chung là hòa âm tác phẩm đó. Và khi gọi là đi học hòa âm thì ta cũng nên hiểu là học các kỹ thuật của bộ môn hòa âm, rồi các kỹ thuật của bộ môn đối âm, phối khí cho dàn nhạc lớn nhỏ, hình thể âm nhạc … cuối cùng mới là kỹ thuật tẩu pháp, và một điều chắc chắn rằng sau khi hoàn tất môn tẩu pháp thì bạn sẽ là một nhạc sĩ chân chính.
FB_IMG_1612279018544.jpg

Như vậy, giá trị và chức năng của công việc hòa âm rõ ràng là để làm cho dòng ca là nhạc đề được đánh nổi, được đánh nổi như thế nào thì còn tùy thuộc vào tài nghệ và kiến thức của nhạc sĩ. Nói đến đây, có lẽ chúng ta đã nhận ra rằng công việc hòa âm không hề đơn giản. Muốn hòa âm một ca khúc chẳng hạn, chúng ta phải viết ca khúc ấy ra trên giấy, nó sẽ là một nhạc đề mà không được sửa chữa gì trên đó cả, rồi viết những bè khác cho tiếng người hoặc tiếng đàn địch kèn sáo trống phách các loại; Tất cả các dấu nhạc của những bè hòa âm này phải được nhạc sĩ cân nhắc suy tính cẩn thận để sắp đặt chúng theo một trật tự nào đó và dĩ nhiên, phải dựa trên các quy luật chính đáng của nghệ thuật, các quy luật này đã được kết tinh từ bao đời nay mà tất cả các trường nhạc trên thế giới này đều đưa vào chương trình giảng dạy, nó đã thành một bộ môn giáo khoa bắt buộc cho mọi sinh viên theo học. Một môn học mà người ta thường nói rằng “không thầy đố mày làm nên”, thật thế, môn học này có một sự kết hợp rất hài hòa giữa tính chính xác cũng như tính lô-gic của toán học và cái vẻ đẹp của nghệ thuật, nên trong khi học, ta sẽ thấy có những qui tắc ở giai đoạn đầu không cho phép nhưng sau lại được dùng, có những điều không nên nhưng không phải là sai, có những cái đúng nhưng không phải là tốt, có những điều phải học qua nhưng có thể suốt đời không bao giờ dùng đến… Như vậy, không thể tự mình xem sách mà học được vì sẽ không đủ sức để nắm bắt mọi vấn đề, cho dù bạn có thông minh đến mấy, cho dù bạn có năng khiếu bẩm sinh về ngành nghệ thuật này, và cho dù bạn có nỗ lực khôn cùng nếu không có thầy dạy thì bạn cũng chỉ dừng lại ở một mức độ rất hạn chế, như bao nhiêu thiên tài âm nhạc trong quá khứ đã chứng minh mà thần đồng Mozart là một ví dụ, ngoài cha ông và chị ông, những người thầy nghiêm khắc vào tuổi đầu đời tập tễnh với âm nhạc, sau này khi đã thành danh, ta cũng dễ thấy có những giai đoạn mà các tác phẩm của ông bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Johann Christian Bach và của Joseph Haydn. Thật vậy, theo như kinh nghiệm bản thân, môn học này không khó và cũng chẳng có gì là bí mật, nó cũng chẳng đòi hỏi người ta phải có chỉ số thông minh cao, nhưng mọi sự thành công đều thuộc về hai yếu tố: tư duy bền bỉ liên tục và cảm xúc tinh tế, muốn có những cảm xúc tinh tế thì ta phải tập chơi đàn nhiều tác phẩm, phải chơi đến thuộc lòng, nghe nhiều những tác phẩm kinh điển, càng tốt hơn khi được người thầy có kinh nghiệm hướng dẫn cho ta nghe.
FB_IMG_1612279015420.jpg

Khi nói đến trật tự của một tác phẩm thì vấn đề lại liên quan đến hình thể âm nhạc (forma), ví dụ như về hình thể sonata có kiểu viết hòa âm của nó, serenade có cách giải quyết của nó, opera có đường lối riêng của nó…, mỗi hình thể đều có cách hòa âm và một cấu trúc nhất định. Vậy muốn làm được công việc này, nhạc sĩ bắt buộc phải học hòa âm, và phải học một cách tử tế nghiêm túc với đầy gian nan vất vả, nhưng nếu kiên trì thì bạn sẽ thành công. Ta phải hiểu một cách tinh tường về bộ môn này thì khi nhìn vào tác phẩm, ta mới có thể nhận diện được tác phẩm ấy thuộc hình thể nào. Nhớ lại hồi còn đi học, các anh em trong lớp đã được ông thầy yêu cầu phải cam đoan rằng, ngoài việc học nhạc ra tôi không được học một môn học nào khác, và ngoài việc học nhạc ra tôi cũng không được làm việc gì khác kể cả những việc liên quan đến âm nhạc! Chuyện kể về các sinh viên ở Nhạc viện Hoàng gia Anh, thời gian học ở trường luôn tuân thủ các luật lệ nghiêm ngặt, trong đó có việc nếu bạn đang là sinh viên trong trường mà bị phát hiện là có tham gia biểu diễn âm nhạc ở bất cứ nơi đâu hoặc bất cứ dưới hình thức nào mà có công chúng tham dự, thì chắc chắn sinh viên đó sẽ bị đuổi học ngay lập tức. Cũng dễ hiểu thôi, người ta cho rằng bạn đang đi học nghĩa là bạn đang ở giai đoạn rèn luyện mà dám biểu diễn thì bạn đã khinh thường khán giả rồi, điều đó không phù hợp với lương tri của một nghệ sĩ thực thụ.

Có một số người hiểu công việc hòa âm cũng khá đơn giản, với một bản nhạc ca khúc có sẵn trên giấy, người ta viết vài dấu nhạc đầu cho một nhạc cụ nào đó để gọi là Intro, rồi trên mỗi measure người ta điền tên những hợp âm vào như Am, Csus, Ddim … rồi có vài chỗ đánh dấu Fill in hay là Variation (thường gọi là giang tấu), hay là Coda (để kết thúc)… thế là hoàn tất bản phối khí viết tay, sau đó các nhạc công cứ theo như thế mà tùy khả năng của mình mà tự do ứng biến nóng bỏng theo trí tưởng tượng, và người ta thường gọi như vậy là hòa âm phối khí xong một bản nhạc rồi! Hoặc có thể viết những hợp âm và các ký hiệu trên các dấu nhạc của ca khúc xong, người ta có thể dùng cây đàn Organ điện tử tân kỳ để thao tác các nút chức năng hoặc nhấn vài phím đàn cho chúng đệm tự động bằng những hợp âm rập dấu hay trải dấu đã được cài đặt sẵn, chỗ nào cần pha tiếng này tiếng kia cho sắc tiếng mới lạ thì thay đổi dễ dàng như trở bàn tay!... Tôi thấy hiện nay việc này khá phổ biến, nhất là một số anh chị hòa âm ở những phòng thâu âm, hay những anh chị chơi đàn trong các ca đoàn nhà thờ, hoặc những người chơi nhạc ở các ban nhạc giúp vui cho các bữa tiệc đình đám hội hè… Như vậy chẳng cần phải miệt mài dày vò bút nghiên bảy tám năm trời học hòa âm kinh điển làm chi cho khổ?! Chẳng cần học cũng có thể làm nhạc sĩ hòa âm phối khí sao? Và cũng chả lẽ công chúng bây giờ dễ dãi quá chăng?! Hơn thế nữa, với kỹ thuật tân tiến hiện nay cùng với sự can thiệp của máy điện toán, người ta lại có thể hòa âm phối khí tự động hóa tất cả bằng những chương trình phần mềm chuyên dùng. Tôi vội nghĩ, nếu gọi việc làm này là hòa âm, là phối khí, thì trong khoảng một khắc tôi có thể hoàn tất được bản hòa âm phối khí một ca khúc với đầy đủ tất cả những gì cần cho nó, một việc mà đối với con người nhạc sĩ chân chính trên thế gian này không bao giờ dám làm!
FB_IMG_1612279011531.jpg


Học môn học nào cũng vậy, cái cùng đích của nó là dạy ta làm người, cái đích điểm của cái Nhân cần phải có là chân – thiện – mỹ, tôi không dám quảng diễn xa hơn, nhưng trong môn học hòa âm, ngoài những qui tắc, những luật lệ khách quan do người xưa để lại đã trở nên mô phạm giáo khoa, và khi học để thực hành những qui tắc và luật lệ đó, học trò mới dần cảm nghiệm được cái gọi là thị hiếu thẩm mỹ khách quan, từ cái tiêu chuẩn mực thước đó, người học trò mới dần dần khám phá ra những gì là của mình! Và cũng từ cái tiêu chuẩn mực thước đó, người học trò mới dần hình thành cái lương tri của người nghệ sĩ chân chính, điều mà một sớm một chiều không thể xây dựng được. Đó lại là điều cần thiết nhất, nếu ta hiểu sâu xa hơn, nhạc sĩ hòa âm phối khí hoặc nhạc sĩ sáng tác cũng là nghệ sĩ, những tác phẩm của họ như là thông điệp, như là tiếng nói thay mặt cho cộng đồng và phát biểu cho cộng đồng.

Cách đây ít lâu, tôi có xem một tập sách gồm một số ca khúc đã được hòa âm thành bốn bè, thậm chí có chỗ năm bè được viết dưới dạng Mottetto, tạm gọi là phức điệu, hình thức hát các bè đuổi vào trước vào sau… xem thấy mà ray rứt không thể chịu được sự lỗi luật quá sơ đẳng và thô thiển của tất cả các bài hát trong cuốn sách ấy. Sau khi trực tiếp hỏi chuyện với tác giả hòa âm, thì được người trả lời đó là lối viết hòa âm tân thời!

Người ta thường nói xem văn biết người. Âm nhạc cũng là một thứ ngôn ngữ mà mọi người trên thế giới này đều có thể hiểu, vậy thì xem một tác phẩm âm nhạc nói chung, người có hiểu biết vẫn có thể nhận ra được mọi chuyện, từ tính cách, cảm xúc và khả năng chuyên môn của tác giả… làm sao mà không thấy được khi nó hiện ra rành rành như thế! Theo tôi được biết, tất cả các trường nhạc trên thế giới đều thừa nhận rằng, các qui tắc và luật lệ của khoa hòa âm cổ điển luôn là mực thước để đo lường khả năng chuyên môn về âm nhạc của học trò dù bạn có ở ngành nào. Như thế ta cũng có thể nói, bạn phải thông thạo và am tường các qui tắc luật lệ của kỹ thuật hòa âm cổ điển cũng như cấu trúc hình thể âm nhạc, thì bạn mới có thể từ đó mà hiểu được thế nào là nhạc Jazz, thế nào là nhạc Blue, thế nào là Rock và thế nào là nhạc tân thời. Nghĩa là cho dù nó thuộc hình thể nào đi nữa thì cũng phải có cách thức riêng, có lề lối riêng của nó, có câu chuyện riêng của nó, chứ không phải mình cứ viết đại để, viết liều lĩnh lộn xộn chẳng có luật lệ trật tự chi cả, rồi không biết gọi nó là gì thì đành gán cho nó cái tên tân thời.

Đúng là công việc hòa âm không bao giờ là đơn giản, học hòa âm thì càng không đơn giản, bởi lẽ khi mình viết thêm bè vào cho nó, trên một bài nhạc có sẵn, thì có nghĩa là ta đang sáng tác vậy, đó là sáng tác lần thứ hai dựa trên những gì đã được sáng tác. Rõ ràng là một công việc đòi hỏi phải có kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Nhớ lại thời gian làm hồ sơ đi du học âm nhạc, tôi được cho biết tường tận các chi tiết cần thiết, ngoài những thông tin về ngành học, chi phí … điểm rất đặc biệt là các sinh viên còn được giới thiệu các vị giáo sư mà mình có thể chọn lựa, để sau khi được chấp nhận vào học thì vị giáo sư đó sẽ là người đồng hành sát cánh với mình, nghĩa là gần như một thầy một trò, không chỉ là trong thời gian ở trường mà là suốt cuộc đời! Quả vậy, khi nói đến hoà âm thì các giáo sư về bộ môn này đều coi nó thuộc phạm vi khoa học về âm thanh. Khi học môn này, không những ông thầy cần phải có nhiều kinh nghiệm, kiên nhẫn và tinh tế, mà học trò cũng phải có một sức tư duy rất bền bỉ mới có thể thành công được, sức tư duy không được gián đoạn. Việc học thường có ba giai đoạn, giai đoạn đầu là học và bắt chước, giai đoạn kế đến là bắt chước và biểu lộ cá tính, cuối cùng là chỉ biểu lộ cá tính mà thôi, nghĩa là chỉ biểu lộ chính mình sau khi đã tiêu hóa hết những thứ ông thầy dạy bảo.

Một sứ vụ thiêng liêng, có thể gọi là như vậy, đó là tôi vẫn đang tiếp bước và nối dài cánh tay của thầy mình(*) trong việc giảng dạy bộ môn này. Thực ra mà nói, với những gian khó vất vả, công sức và thời gian của cả thầy lẫn trò mà môn học này đòi hỏi, đã làm cho biết bao người e dè ngại ngùng khi phải nói đến chuyện đi học, hơn thế nữa, nó cũng là yếu tố khiến cho bao học trò phải bỏ gánh giữa đường… như đã nói, nếu ai kiên tâm bền bỉ thì sẽ thành công, bạn sẽ nếm hưởng được cái vẻ đẹp toàn diện của ngành nghệ thuật này.

Có một chuyện khiến bản thân cảm thấy vững tâm hơn, tôi có một anh học trò mà cách đây vài năm, sau khi được chịu chức linh mục thì anh này được sang trời tây du học về âm nhạc. Sang Pháp, cha được vào học ngành Thánh nhạc ở Học viện Công Giáo (Institut Catholique), vì cha có năng khiếu và siêng năng nên được Học viện cho ra ngoài để học thêm về chuyên môn âm nhạc tại Consevatoire de Paris, nơi mà họ chỉ nhận những sinh viên ưu tú của cả nước và của khối Âu châu. Môn học đầu tiên và cũng là môn duy nhất bắt buộc là môn hòa âm. Sau khoảng một năm học, người gọi điện thoại về và nói chuyện với tôi một cách phấn khởi vui mừng, vì nhờ có kiến thức trong những thời gian học hòa âm tại nước nhà đã giúp cha vượt qua khá nhanh những học phần của bộ môn này, cha đã nói rằng: “không ngờ thầy ở một nơi xó xỉnh trên nước Việt Nam lại đang làm một việc mà thế giới người ta đang làm”, theo như người nói, các luật lệ và qui tắc của hòa âm vẫn thế không thay đổi, chỉ khác một điều là khi làm bài hòa âm, giáo sư bắt buộc mỗi bè mỗi giọng phải được viết riêng biệt độc lập trên một dòng kẻ (staff) mà không được viết hai hoặc ba bè… Thế là tôi không cảm thấy cô đơn nữa, một cảm giác mà thỉnh thoảng vẫn có trong sứ vụ của mình!

Vậy hòa âm phối khí như thế nào mới đúng nghĩa của việc này? Xin tạm giải thích là tất cả những gì mà chúng ta muốn tô son điểm phấn, cho dù bài nhạc thuộc thể loại nào đi nữa, tất cả đều phải được viết ra bằng giấy trắng mực đen, và mỗi một dấu nhạc trên đó đều là một sự cân nhắc cẩn thận!… Phải được cân nhắc với từng dấu nhạc, chuyện kể là với thiết bị máy móc tân tiến hiện nay, trên bản thảo Symphony số 5 của Beethoven, có một chỗ người ta đã tính được rằng ông đã tẩy xóa đến 16 lần! Để cố gắng làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi xin dẫn ra vài ví dụ sau dựa trên một nhạc đề duy nhất gồm 4 dấu nhạc: DO-RE-SI-DO.

10 tháng 8 năm 2009

Antonio Tiến Linh



(*) từ năm 1972 đến 1978 học với Cha Đinh Quang Tịnh (tốt nghiệp Consevatoire de Paris và Viện Âm Nhạc Cesaz Franz). Với Cha Nguyễn Tiến Dũng từ cuối năm 1987 đến 1996, chúng tôi đã không bao giờ có chuyện nghỉ hè, chỉ được phép nghỉ một thời gian rất vắn vào dịp Tết cổ truyền mà thôi. Tuy gian khổ, nhưng cuối cùng bản thân cũng đã được phép làm bài thi để lấy chứng chỉ Magistero do người xác nhận dưới sự ủy quyền của Pontificio Istituto Di Musica Sacra - Vatican
 
Nếu bạn cảm thấy nội dung chủ đề bổ ích , Hãy LIKE hoặc bình luận để chủ đề được sôi nổi hơn
  • Từ khóa
    hòa âm cổ điển
  • THẦY CÔ CẦN TRỢ GIÚP, VUI LÒNG LIÊN HỆ!

    TƯ VẤN NHANH
    ZALO:0979702422

    BÀI VIẾT MỚI

    Top